Ngành chuyên môn khuyến cáo bà con kỹ thuật gieo cấy lúa vụ mùa 2021
Vụ Mùa 2021 theo trung tâm khí tượng thủy văn dự báo là một vụ mùa lượng mưa cao hơn TBNN và dự báo không khí lạnh sẽ tràn về sớm hơn. Đến nay, nông dân trong toàn huyện đang tập trung gieo cấy rất đông. Theo dự báo trong khoảng 10 ngày tới trời vẫn tiếp tục nắng nhiệt độ cao nhất trong ngày 35 – 370 C. Để đảm bảo tiến độ gieo cấy đến 22/7 toàn huyện cơ bản cấy xong toàn bộ diện tích giúp lúa trỗ trong khung thời vụ tốt nhất và hạn chế ảnh hưởng bất lợi của thời tiết bà con cần lưu ý các khâu kỹ thuật gieo cấy chăm sóc đầu vụ như sau:
Nông dân Tây Phong tập trung cấy mùa. Ảnh Phạm Thục
Kỹ thuật cấy
* Cấy tay: Mật độ cấy tùy vào giống lúa, chân đất và mức độ thâm canh. Với giống đẻ khỏe, chân sâu màu nhiều dinh dưỡng, ruộng thâm canh cao thì cấy thưa hơn, cấy nhỏ dảnh, mật độ trung bình khoảng 22 – 25 khóm/m2, cấy 1-2 dảnh/khóm (như lúa lai, BC15, TBR225…) và mật độ từ 28-30 khóm/m2, cấy 2-3 dảnh/khóm với các giống lúa thuần đẻ nhánh yếu như Q5, TBR1, ….
Bà con nên cấy nông tay giúp cây lúa nhanh bén rễ hồi xanh, tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh sớm, đẻ khỏe, là tiền đề cho năng suất cao.
*Cấy máy: Mỗi sào cấy máy cần 6-8 khay mạ với lượng giống tương đương gieo mạ nền cứng (khoảng 1 – 1,5kg thóc giống). Mật độ cấy từ 20-28 khóm/m2 hàng sông cố định do vậy cần điều chỉnh hàng tay đảm bảo cây cách cây 12 – 18cm tùy theo giống đẻ khỏe, đẻ yếu.
* Đối với gieo thẳng: tỉnh và huyện không khuyến khích gieo thẳng. Tuy nhiên, nhiều xã bà con vẫn có truyền thống gieo thẳng do vậy cần chú ý gieo mật độ hợp lý, không gieo dầy dễ sâu bệnh gây hại và bị đổ khi gặp mưa bão. Mật độ khoảng 80 – 110 cây/m2.
Chế độ nước tưới:
- Với lúa cấy: Vụ Mùa nắng nóng cây lúa cần nước để chống nóng sau cấy luôn giữ một lớp nước nông trên mặt ruộng: vừa chống nóng cho cây lúa, vừa giúp cho cây nhanh bén rễ hồi xanh đồng thời tăng hiệu lực sử dụng thuốc trừ cỏ và ốc bươu vàng. Không để ruộng quá khô gây bốc phèn mặn và gặp nóng lúa có thể bị chết khô. Tuy nhiên không để mực nước quá lớn sẽ làm ngập nõn gây thối lúa. Mực nước trên ruộng tối ưu duy trì từ 2 – 5cm.
- Đối với lúa gieo thẳng: Sau gieo cần giữ ẩm mặt ruộng để giúp cây con nhanh ngồi, rễ ăn sâu, cây khoẻ. Nếu thời tiết quá nóng ruộng nhanh khô, khi mạ mũi chông đưa nước vào ruộng láng chân cho nước ngấm vào đất sau đó rút cạn.
Khi cây lúa đạt 2 - 3 lá đưa nước vào ruộng khoảng 2 – 5cm, trộn 2-3 kg đạm Ure/sào với thuốc ốc để bón nhử và xử lý ốc bươu vàng.
Từ khi cây lúa bắt đầu đẻ nhánh (cả lúa cấy và lúa gieo thẳng) thực hiện phương châm tưới nước theo công thức nông - lộ - phơi (tưới nông và giữ ẩm xen kẽ). Khi lúa đẻ nhánh kín đất tháo cạn nước để rạn chân chim giúp rễ lúa ăn sâu sẽ tăng khả năng chống đổ của cây.
Lưu ý: Với chân ruộng chua trũng luôn duy trì nước để hạn chế bốc chua phèn giai đoạn giữa và cuối vụ.
Dặm tỉa:
Việc tỉa dặm để đảm bảo mật độ cần được làm sớm trước khi lúa đẻ nhánh:
- Mật độ quá dày lúa sẽ đẻ ít, sâu bệnh nhiều. khi thời tiết mưa bão dễ bị đổ ngã. Vì vậy, cần dặm tỉa đảm bảo mật độ:
- Với lúa gieo thẳng: cây cách cây khoảng 8 - 10 cm, sạ hàng khoảng 18 - 20 cây/1m dài, đảm bảo 90 – 100 cây/m2.
- Với lúa cấy: Những giống đẻ khoẻ như lúa lai, BC15, TBR225… tỉa dặm đảm bảo mật độ 22 - 25 khóm/m2, giống lúa đẻ trung bình như Q5, TBR1….tỉa dặm đảm bảo mật độ 28 - 30 khóm/m2.
Nông dân Đông Xuyên phấn đấu cấy mùa xong trước 22/7. Ảnh Trần Ngọc Quyền
Phân bón và kỹ thuật bón phân:
Phân bón là yếu tố quyết định lớn đến khả năng sinh trưởng phát triển, sức chống chịu và tiềm năng năng suất do vậy việc bón phân cần thực hiện: sử dụng phân tổng hợp NPK chuyên dùng (NPK Lâm Thao, Văn Điển, Ninh Bình, Việt Nhật, Đầu trâu…) với lượng nhà sản xuất khuyến cáo và tiến hành bón thúc sớm, tập trung không bón lai rai.
- Với lúa cấy:
Thời tiết vụ mùa lúa bén rễ hồi xanh và phát triển nhanh cần bón thúc càng sớm càng tốt và chia thành 2 lần bón phân:
+ Bón lót trước khi cấy: bón trước khi bừa để vùi phân sâu xuống đất để cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa giai đoạn đứng cái ( lót để dành) hoặc bón ở lần bừa chít ruộng để vùi phân xuống sâu tránh mất phân do bay hơi, rửa trôi. Dùng loại phân chuyên lót với lượng theo khuyến cáo trên bao bì của nhà sản xuất.
+ Bón thúc lần 1 khi cây lúa bén rễ hồi xanh, ra lá mới( sau cấy 3 – 7 ngày) bón 2/3 lượng phân bón thúc.
+ Bón thúc lần 2 sau khi bón thúc lần 1 từ 10-12 ngày, bón hết lượng phân thúc còn lại.
- Đối với lúa gieo thẳng: Sau khi lúa có 2-3 lá thật, đưa nước láng chân rồi bón nhử từ 2-3 kg đạm/sào hoặc 4-5 kg NPK chuyên thúc/sào. Khi lúa gieo thẳng đạt 4-5 lá tiến hành bón thúc như lúa cấy.
- Để tăng hiệu lực của phân bón và hạn chế thất thoát, sau mỗi lần bón phân bà con nên dùa đục nước để hạt keo đất giữ phân tránh rửa trôi, bay hơi.
Phòng trừ sâu bệnh hại
- Cần làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng (cắt sạch cỏ bờ), chọn giống kháng sâu bệnh, gieo cấy đảm bảo mật độ (không cấy to, cấy dầy), bón phân tổng hợp, cân đối NPK và điều tiết nước hợp lý, cần thường xuyên thăm đồng phát hiện và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại (rầy, bệnh LSĐ,...)
- Chuột hại: Vụ Mùa chuột hại sinh sản rất mạnh và gia tăng mật độ nhanh chóng nên dùng tổng hợp các biện pháp như đánh bắt thủ công, rải cạm, rải bả. Đặc biệt bà con cần thường xuyên rải bả đánh chuột nhiều lần để diệt chuột làm giảm tốc độ gia tăng số lượng của chuột hại là biện pháp tốt nhất để giảm sự phá hại của chuột. Khi rải bả cần rải gần đường đi của chuột, rải thử ít một hôm sau kiểm tra thấy chỗ nào chuột ăn nhiều thì rải tập trung vào điểm đó. Rải tập trung vào những tụ điểm chuột cư trú như khu bỏ hoang, khu dân cu, khu công nghiệp…. Tuyệt đối không sử dụng điện để đánh chuột.
- Ốc bươu vàng: Vụ mùa ốc sinh trưởng nhanh, trước khi cấy cần bắt ốc và thu hết các ổ trứng để hạn chế số lượng ốc. Sau khi cấy, mật độ ốc cao cần phun hoặc trộn thuốc ốc với 2 kg đạm urê vãi đều trên ruộng để diệt ốc. Sau khi phun hoặc vãi thuốc ốc không để nước ra vào trong 2 – 3 ngày và cần giữ mực nước từ 2 – 5 cm để tăng hiệu quả của thuốc.
Tuân thủ đúng theo khuyến cáo của trạm TT và BVTV trong các chiến dịch phòng trừ sâu bệnh.
Trạm khuyến nông Tiền Hải