Kiểm tra mô hình "dân vận khéo" trong phát triển kinh tế
Sáng 23/11, đồng chí Hoàng Văn Túy – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện đã đi thăm, kiểm tra một số mô hình phát triển kinh tế tại xã Đông Trà, Đông Minh và Đông Lâm. Cùng đi có đồng chí Đỗ Trực Tiếp - Ủy viên BTV Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, các đồng chí lãnh đạo đại diện Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ huyện.
Mô hình HTX sản xuất thủ công mỹ nghệ xã Đông Trà được thành lập từ năm 2019. Đến nay mô hình duy trì hoạt động có hiệu quả với 3 tổ (1 tổ thêu ren, 2 tổ móc sợi), với 285 thành viên tham gia đều là hội viên hội phụ nữ, tạo việc làm lúc nông nhàn với mức thu nhập bình quân từ 2,5 đến 5 triệu đồng/tháng.
Mô hình nuôi trồng thủy sản của hội viên cựu chiến binh Đoàn Đình Chiến xã Đông Minh có diện tích 1,2 ha. Ông Chiến chia diện tích thành 10 ô nuôi, vừa thả nuôi cá Song, vừa nuôi tôm thẻ theo phương pháp bán công nghệ cao. Từ đầu năm đến nay, ông Chiến đã thu hoạch 2 vụ tôm thẻ và 1 vụ cá Song. Trừ chi phí thu lãi hơn 400 triệu đồng.
Mô hình công ty may Hoàng Hưng của anh Nguyễn Văn Hoàng xã Đông Minh. Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng công ty vẫn duy trì sản xuất, tạo việc làm ổn đinh cho hơn 70 lao động với mức lương bình quân từ 5 đến 8 triệu đồng/tháng.
Mô hình phát triển nghề thủ công mỹ nghệ móc sợi xã Đông Lâm được hoạt động và duy trì từ năm 2003 đến nay, tạo việc làm thường xuyên cho 86 chị em và tạo việc làm thời vụ cho 57 chị em là hội viên hội phụ nữ xã.
Qua đi thăm và kiểm tra thực tế các mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế tại các xã Đông Trà, Đông Minh, Đông Lâm, đồng chí Hoàng Văn Túy – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đã đánh giá cao các tập thể, cá nhân đã mạnh dạn đầu tư, nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động và phát triển tích cực, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người lao động. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cũng chia sẻ và động viên các mô hình tiếp tục cố gắng, duy trì hoạt động và phát triển sản xuất. Đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể tạo mọi điều kiện cho các chủ mô hình tiếp cận với nhiều nguồn vốn vay để giải quyết khó khăn, tái đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ những mô hình này, các xã thị trấn tiếp tục nhân rộng các mô hình dân vận khéo, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội ở địa phương./.
Thu Hường – Lê Chinh