Hướng dẫn kỹ thuật bón phân, điều tiết nước cho lúa Xuân 2022
Trong 3 – 4 ngày qua thời tiết ấm kết hợp nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho lúa cấy và lúa gieo sạ hồi phục nhanh sau ảnh hưởng của đợt rét đậm rét hại. Lúa cấy đại trà đã hồi xanh ra lá mới, lúa gieo sạ đạt 1.5 – 2 lá và xanh trở lại. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung Ương trong thời gian tới nhiệt độ và độ ẩm thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng phát triển phù hợp cho công tác bón phân chăm sóc lúa. Vì vậy bà con cần lưu ý một số vấn đề như sau:
- Phân bón:
Phân bón là yếu tố rất quan trọng quyết định đến năng suất lúa. Hiện nay giá phân bón tăng cao. Để giảm thiểu chi phí sản xuất và rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa việc bón phân theo nguyên tắc "4 đúng" đó là đúng chủng loại; đúng liều lượng; đúng thời điểm và đúng phương pháp là rất cần thiết.
Bón đúng chủng loại: bón thúc sử dụng NPK chuyên thúc. Giai đoạn này bà con nên sử dụng các loại phân chuyên thúc có tỷ lệ 12:5:10 hoặc 16:5:17 hoặc 16:16:8;….. sử dụng phân bón của công ty có thương hiệu trên thị trường.
Bón đúng liều lượng: lượng bón theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Tuy nhiên cần linh động theo nguyên tắc: đối với các giống cho năng suất cao thì liều lượng bón nhiều, các giống cho năng suất thấp thì liều lượng bón giảm đi, vụ xuân lượng bón cao hơn vụ mùa.
Bón đúng thời điểm: Bón thúc đẻ nhánh nên bón sớm khi lúa bắt đầu hồi xanh ra lá mới, bón đón đòng vào lúc lúa đứng cái làm đòng. Tránh bón phân vào giữa trưa nắng hoặc trước mưa giông, nên bón thúc buổi chiều, trời mát. Giai đoạn này phù hợp để bón thúc cho lúa cấy bà con cần khẩn trương bón thúc ngay. Bón thúc tập trung 2 lần: lần 1 khi lúa hồi xanh ra lá mới, lần 2 sau lần 1 từ 12 – 15 ngày.
Bón đúng phương pháp. Khi bón phân nên giữ mực nước nông, ném mạnh tay để hạt phân chìm vào trong đất. Sau khi bón xong cần dùa đục bùn hoặc kết hợp dặm tỉa. Bùn đục giúp giữ chặt phân bón tránh thất thoát do rửa trôi, bay hơi.
Đới với lúa gieo thẳng: khi lúa 2 – 3 lá bón nhử 3-5 kg NPK chuyên thúc cho lúa hoặc 2-3 kg đạm Ure/sào kết hợp tỉa dặm.
Với các xã ven biển và các vùng đất nhiễm chua mặn: bà con cần bón kết hợp 15 – 20 kg vôi bột để giải chua mặn bó chặt vào rễ lúa giúp bộ rễ hút dinh dưỡng tốt hơn từ đó tăng hiệu quả của phân bón. Nếu không giải chua mặn bón nhiều cây lúa không hấp thụ được gây lãng phí và đồng thời làm đất ngày càng chai cứng.
- Điều tiết nước:
- Cần đảm bảo đủ ẩm đối với diện tích gieo thẳng chưa đủ 2 lá. Trên diện tích gieo thẳng được 2,5-3 lá cần đưa nước vào, giữ mực nước nông 2-5 cm. Khi đưa nước vào ruộng cần chú ý đối tượng ốc bươu vàng gây hại.
- Đối với diện tích lúa cấy:
Giai đoạn đẻ nhánh giữ mực nước nông 2-5 cm để ánh sáng chiếu vào gốc lúa giúp lúa đẻ nhánh tốt hơn. Khi lúa kín đất rút cạn nước 7 – 10 ngày giúp bộ rễ ăn sâu chống đổ tốt. Giai đoạn làm đòng – cuối vụ duy trì mực nước nông thuận lợi cho lúa làm đòng và giữ lấm làm đất vụ mùa.
Lưu ý: đối với lúa gieo sạ do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại lúa sinh trưởng chậm. Do vậy, thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm đã hết hiệu lực cỏ dại mọc rất nhanh. Bà con cần lưu ý diệt trừ cỏ dại để không cạnh tranh dinh dưỡng tạo điều kiện thuận lợi cho lúa sinh trưởng, phát triển.
Trạm Khuyến nông Tiền Hải