A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vận động bầu cử đúng luật

Đến thời điểm này, các địa phương trong cả nước đã hoàn thành việc tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba, lập danh sách chính thức ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Các cơ quan chức năng và từng ứng cử viên đang chuẩn bị tổ chức vận động bầu cử. Đây là công việc rất quan trọng để cử tri lựa chọn đúng người cần bầu. Việc vận động bầu cử phải bảo đảm công khai, dân chủ, bình đẳng và đúng luật.

Ba nguyên tắc vận động bầu cử
Vận động bầu cử của người ứng cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm; tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử; trên cơ sở đó cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm ĐBQH, đại biểu HĐND.
Điều 64, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định: “Thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ”. Như vậy, những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ có hơn 3 tuần vận động bầu cử.
Theo Điều 63 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND thì việc vận động bầu cử phải bảo đảm 3 nguyên tắc sau đây:
Thứ nhất, vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Thứ hai, người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó.
Thứ ba, các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.

Tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử số 3
Hai hình thức vận động bầu cử
Điều 65 và Điều 66, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, quy định hai hình thức vận động bầu cử cho người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND. Một là, gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại các cuộc tiếp xúc ở địa phương nơi mình ứng cử. Hai là, vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Điều 66 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định về cách thức tổ chức vận động bầu cử với cử tri nơi ứng cử. Theo đó, ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMT TQ) cấp tỉnh chủ trì phối hợp với UBND ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh. Thành phần tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cử tri ở địa phương. Ban thường trực UBMTTQ cấp huyện, cấp xã phối hợp với UBND cấp xã tại đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu HĐND cấp mình. Thành phần tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cử tri ở địa phương. UBND nơi tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri có trách nhiệm thông báo về thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị để cử tri tham dự đông đủ.
Trong hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử có đại diện ban thường trực UBMTTQ cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri giới thiệu và đọc tiểu sử tóm tắt của người ứng cử. Từng người ứng cử báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND. Cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm.
Sau hội nghị tiếp xúc cử tri, ban thường trực UBMTTQ cấp tỉnh lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND ở địa phương, ý kiến của cử tri về từng người ứng cử ĐBQH gửi đến Hội đồng Bầu cử quốc gia và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ban thường trực UBMTTQ các cấp lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu HĐND ở địa phương mình gửi đến ủy ban bầu cử cùng cấp và ban thường trực UBMTTQ cấp trên trực tiếp.
Hình thức vận động bầu cử thông qua phương tiện thông tin đại chúng được quy định rõ tại Điều 67 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND. Theo đó, người ứng cử ĐBQH trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm ĐBQH khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nơi mình ứng cử và trên trang thông tin điện tử về bầu cử ĐBQH của Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Người ứng cử đại biểu HĐND trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu HĐND khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trên trang thông tin điện tử về bầu cử của ủy ban bầu cử (nếu có).
Hội đồng Bầu cử quốc gia, ủy ban bầu cử có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quản lý trang thông tin điện tử thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc đăng tải nội dung vận động bầu cử.
UBND cấp tỉnh tổ chức việc đăng tải chương trình hành động của người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
Tại Điều 62, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan thông tin đại chúng trong công tác vận động bầu cử. Cụ thể, các cơ quan báo chí ở Trung ương có trách nhiệm đưa tin về quá trình tổ chức công tác bầu cử, tình hình vận động bầu cử trong phạm vi cả nước. Các cơ quan thông tin đại chúng của địa phương có trách nhiệm đưa tin về hội nghị tiếp xúc cử tri, trả lời phỏng vấn của những người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND và việc vận động bầu cử ở địa phương.
Bảo đảm công bằng giữa các ứng cử viên
Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm việc lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác. Cấm việc lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình.
Để bảo đảm công bằng khi vận động bầu cử giữa các ứng cử viên, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định rõ: Kinh phí tuyên truyền, vận động bầu cử được bảo đảm bằng ngân sách nhà nước. Mọi công dân có quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND. Cấm lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử. Việc sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri cũng là hành vi bị nghiêm cấm trong vận động bầu cử.
Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND hiện hành chưa quy định cụ thể số cuộc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử của những người ứng cử. Thực tế, trong những lần bầu cử trước, có địa phương tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, có địa phương lại tổ chức ít đã gây ra sự so sánh giữa các ứng cử viên. Vì thế, theo ý kiến của một số chuyên gia pháp luật, trong cuộc bầu cử lần này, Hội đồng Bầu cử quốc gia nên có sự thống nhất, hướng dẫn có tính chất “khung” cho phù hợp với đặc thù về phạm vi địa lý (xa, gần, lớn, nhỏ), số lượng cử tri của đơn vị (nhiều, ít) để các địa phương tiến hành vận động bầu cử, bảo đảm sự công bằng giữa các ứng cử viên.
Mục đích của vận động bầu cử là nhằm tạo điều kiện để cử tri hiểu rõ hơn về người ứng cử để từ đó cân nhắc, lựa chọn bầu những người đủ tiêu chuẩn làm ĐBQH, đại biểu HĐND. Vì thế, theo kinh nghiệm của các ĐBQH khóa trước, người ứng cử phải thể hiện mình là người thực sự chân thành, luôn cầu thị, sẵn sàng trao đổi ý kiến, học hỏi cử tri. Người ứng cử phải thể hiện ngay tiêu chuẩn đầu tiên của đại biểu dân cử là trung thành và trung thực. Chỉ nên hứa hẹn những điều thiết thực, có đủ điều kiện thực thi. Không nên hứa những việc “xa tầm với”, không khả thi.
 
ĐỖ PHÚ THỌ - Báo Quân đội nhân dân điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 86
Hôm qua : 1.572
Tháng 10 : 13.856
Năm 2024 : 884.851