A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Từ ngày 8-11/9, Tiền Hải tập trung chỉ đạo phòng trừ sâu, bệnh bảo vệ lúa Mùa

Chiều 6/9, UBND huyện Tiền Hải đã tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa Mùa năm 2023. Đồng chí Đỗ Văn Trịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị.

Đồng chí Đỗ Văn Trịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện yêu cầu các địa phương sát sao trong công tác bảo vệ lúa Mùa

Theo tổng hợp của các ngành chuyên môn, lúa Mùa đầu đại trà của nông dân trong huyện đang bắt đầu trỗ bông, lúa đại trà đang ở giai đoạn làm đòng. Nhìn chung các trà lúa, giống lúa sinh trưởng phát triển tốt. Dự kiến lúa mùa trỗ bông tập trung từ  ngày 10-25/9/2023, diện tích cấy muộn trỗ bông sau ngày 25/9/2023. Tuy nhiên, hiện tại trên đồng ruộng xuất hiện các đối tượng sâu bệnh gây hại như sâu cuốn lá nhỏ lứa gối, rầy các loại, sâu đục thân, bệnh khô vằn... đang phát sinh phát triển phức tạp.

Sâu cuốn lá nhỏ lứa gối dự báo nở rộ từ ngày 7-12/9/2023, mật độ trung bình 30-70 con/m2, nơi cao từ 100-150 con/m2, cục bộ từ 200-300 con/m2. Nếu không tổ chức phòng trừ tốt, sâu cuốn lá nhỏ lứa gối sẽ gây trắng lá ảnh hưởng đến năng suất lúa mùa.

Rầy các loại dự báo tiếp tục bổ sung mật độ đến ngày 15/9, mật độ nơi cao 1.000- 2.000 con/m2, cục bộ từ 3.000 - 4.000 con/m2. Ngoài ra các đối tượng sâu bệnh khác như sâu đục thân mật độ cao tập trung chủ yếu ở một số xã, bệnh khô vằn, đạo ôn cổ bông, bạc lá - đốm sọc vi khuẩn, chuột... gây hại từ nay đến cuối vụ.

Nông dân các địa phương trong huyện tập trung phun thuốc hoá học phòng trừ sâu  bệnh

Trước tình hình trên, Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân, HTX SXKD DVNN các xã, thị trấn thường xuyên ra đồng kiểm tra đôn đốc, tuyên truyền vận động nhân dân theo dõi diễn biến sâu bệnh để tập trung chỉ đạo công tác phòng trừ sâu, bệnh hại lúa Mùa. Đối với sâu cuốn lá nhỏ, phòng trừ cho diện tích lúa Mùa trỗ bông sau ngày 10/9/2023 nơi có mật độ sâu từ 20 con/m2 trở lên. Phòng trừ rầy cho diện tích có mật độ từ 800 con/m2 trở lên. Khoanh vùng phòng kết hợp sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân đối với các xã có nguồn sâu cao như Đông Trà, Đông Xuyên, Đông Long,Vũ Lăng, An Ninh, Phương Công, Vân Trường, Nam Hà, Nam Hải, Nam Hồng… Thời gian phòng trừ từ ngày 8-11/9/2023.

Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, trên các các giống lúa nhiễm bệnh như BC15, TBR225, Q5, Nếp, Lúa Nhật, Đài thơm 8... trong thời gian trỗ bông gặp mưa phải phun phòng đạo ôn cổ bông được hai lần. Lần 1 khi lúa thấp tho trỗ, lần 2 khi lúa trỗ thoát hoàn toàn. Thuốc và liều lượng sử dụng theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.

Các ngành chuyên môn phân công cán bộ xuống cơ sở phối hợp với HTX tích cực kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc nông dân các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả; chủ động điều tiết nước hợp lý để lúa sinh trưởng phát triển tốt đồng thời đảm bảo đủ nước để phục vụ công tác phòng trừ sâu bệnh; tăng thời lượng tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh trên các phương tiện thông tin của huyện, của xã để nhân dân biết và chủ động thực hiện.

Đỗ Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 924
Hôm qua : 1.102
Tháng 11 : 23.673
Năm 2023 : 236.555