Tiền Hải ghi nhận thêm một ca sốt xuất huyết nội sinh
Ngày 1/8, huyện Tiền Hải đã ghi nhận thêm một ca sốt xuất huyết nội sinh tại xã Nam Thắng. Bệnh nhân nữ, 28 tuổi tại thôn Tân Hưng 1.
Bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, đau nhức người, các xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus Dengue. Hiện bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tiền Hải.
Pha thuốc khử trùng vệ sinh môi trường khu vực có ca bệnh
Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Tiền Hải đã ghi nhận 9 ca sốt xuất huyết, trong đó có 6 ca ngoại lai; 3 ca nội sinh ở xã Tây Giang, Đông Trung và Nam Thắng. Các ca bệnh được phát hiện và xử lý, điều trị kịp thời nên chưa xuất hiện thêm các ca lây nhiễm. Trung tâm y tế huyện đã kết hợp với địa phương tiến hành điều tra ổ dịch, lấy mẫu tại các gia đình có người nhiễm sốt xuất huyết; điều tra chỉ số côn trùng các hộ xung quanh. Đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi.
Phun thuốc khử trùng vệ sinh môi trường khu vực có ca bệnh
Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết đó là thường xuất hiện đột ngột với tình trạng sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân), thường kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy. Ở trẻ em, đau họng và đau bụng thường là những triệu chứng nổi trội. Hạ sốt xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 thường kèm biểu hiện xuất huyết nhẹ như chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết và chảy máu mũi. Sau khi hạ sốt thường xuất hiện ban dạng dát sẩn đa hình thái, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Một số trường hợp có thể bệnh có thể tiến triển đến xuất huyết tiêu hóa và sốc.
Kiểm tra các dụng cụ chứa nước
Bộ Y tế khuyến cáo 6 điều cần làm để phòng bệnh sốt xuất huyết:
1. Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.
2. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...
3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.
4. Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Hồng Thắm