Kỹ thuật cải tạo ao, đầm
Trong Nuôi trồng thủy sản khâu cải tạo ao, đầm rất là quan trọng, bởi vì sau một vụ nuôi: Phân cá, thức ăn dư thừa, các chất thải và mầm bệnh lắng đọng, tích tụ dưới đáy và xung quanh bờ ao sẽ làm ô nhiễm môi trường ao nuôi, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh ảnh hưởng xấu tới tốc độ sinh trưởng, tỷ lệ sống của đàn cá, và hiệu quả kinh tế của người nuôi. Vì vậy để vụ nuôi đạt kết quả cao, bà con cần lưu ý kỹ thuật cải tạo ao đầm như sau:
Về điều kiện ao nuôi
- Ao nuôi nên có diện tích từ 500 m2 trở lên, tốt nhất từ 1000-3000 m2
- Gần nguồn nước ra vào, thường xuyên giữ được mực nước từ 1,2-1,5 m
- Ao nuôi cần có cống cấp và thoát nước đặt so le, để thuận tiện cho việc cấp và thoát nước. Bờ ao chắc chắn, không rò rỉ, thoáng đãng không bị cớm rợp
Về cải tạo ao
- Bà con cần tát cạn ao bắt hết tôm cá tạp, vệ sinh xung quanh ao, Kiểm tra, tu sửa lại cống cấp và thoát nước.
- Nếu có điều kiện nên vét lớp bùn thối dưới đáy ao chỉ để lại lượng bùn 15-20 cm.
- Sau khi đưa lớp bùn đen ra ngoài thì tiến hành bón vôi ở đáy và xung quanh bờ ao để diệt khuẩn.
- Vôi có nhiều loại, khi cải tạo ao bà con nên dùng vôi bột vì loại vôi này có tác dụng diệt khuẩn cao, rẻ tiền,dễ kiếm.
- Dùng vôi bột lượng 5- 8 kg/100m2 rắc đều đáy và xung quanh bờ ao, Ao có bùn đen, thối cần tăng lượng vôi 10-15kg/100m2 sau đó dùng cào hoặc trang đảo bùn. Nếu có điều kiện thì phơi đáy ao 2-3 ngày.
- Đối với ao mới đào cần phải thau chua 1-2 lần rồi bón vôi, phơi khô, khi lấy nước vào cần kiểm tra pH 6,5 - 7,5 là đạt yêu cầu.
Lưu ý: Đối với ao bị nhiễm phèn không phơi đay ao để tránh hiện tượng xì phèn. Kiểm tra bờ ao, cống cấp, cống thoát nước tránh hiện tượng bị rò rỉ trước khi xuống giống.
Lấy nước vào ao nuôi
Lọc nước vào ao qua lưới potylen mắt dầy, mức nước đạt 1,2 -1,5m, sau 3-5 ngày nước ao có màu xanh lá chuối non hoặc vỏ đỗ, kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi phù hợp mới tiến hành thả giống.