Chàng trai khuyết tật lập nghiệp từ nghề may
Anh Minh hướng dẫn kỹ thuật cắt may cho người lao động tại xưởng.
Từ bỏ mức lương 10 triệu đồng/tháng, số tiền mà nhiều người mơ ước, Minh quyết định rời Hà Nội về quê lập nghiệp. Bởi với chàng trai khuyết tật, khi đã có tay nghề, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh thì ở đâu cũng có thể phát triển và nuôi sống bản thân.
Anh Minh chia sẻ: So với nhiều người khuyết tật, tôi cảm thấy mình còn may mắn hơn nhiều. Tôi có công việc, tự nuôi sống mình và không phụ thuộc vào người khác. Tôi nghĩ rằng, nhiều người khuyết tật vận động có thể làm chủ cuộc sống, quan trọng là họ có tự vượt qua rào cản do chính mình dựng lên hay không.
Tuổi thơ nhiều biến cố, bị sốt dẫn tới bại liệt, teo chân trái rồi lại mồ côi cha, Minh và mẹ phải trải qua cuộc sống vất vả. Thương mẹ, Minh chăm chỉ, cần cù học tập và thi đỗ vào Trường Cao đẳng Dệt may Hà Nội. Tốt nghiệp trường nghề, Minh bôn ba khắp nơi xin việc. Tuy nhiên, cánh cửa cuộc đời không đơn giản như chàng trai trẻ suy nghĩ. Sau khi gõ cửa nhiều nơi, Minh đều nhận được cái lắc đầu từ chối. Các công ty lo ngại với thân hình khuyết tật, Minh không có đủ sức khỏe để làm việc. Hơn nửa năm ròng rã mang hồ sơ đi lại mang về, Minh được một người quen giới thiệu vào làm ở phòng kỹ thuật cắt may. Do chuyên cần làm việc, Minh tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tế trong ngành may.
Gần 8 năm gắn bó với nghề, Trần Văn Minh quyết định quay về quê cùng người thân lập xưởng may. Song số vốn ban đầu chỉ vẻn vẹn vài chục triệu đồng khiến chàng trai sinh năm 1984 gặp nhiều khó khăn.
Anh chia sẻ: Khi bắt tay vào mở xưởng tôi mới thấy rằng kinh doanh không hề đơn giản. Ngoài việc thiếu vốn phải chạy vạy khắp nơi để vay, tôi còn lo nguồn hàng, tìm nhân công. Với đặc thù của nghề may, một năm mất khoảng 2 - 3 tháng ít hàng lại rơi vào dịp đầu năm, vì thế tôi phải lặn lội các nơi để tìm nguồn hàng cho công nhân làm. Ban đầu, lượng hàng ít, xưởng chỉ có hơn chục người làm việc. Tôi nghĩ rằng nếu mình không tìm được nguồn hàng, công việc bấp bênh, công nhân cũng khó trụ lại. Vốn ít, khó tìm nguồn hàng, thêm vào đó mỗi đơn hàng lại đòi hỏi một kỹ thuật khác nhau.
Hàng của Minh chủ yếu là hàng xuất khẩu nên yêu cầu càng khắt khe. Nhiều sản phẩm phải làm đi làm lại nhiều lần, có đơn lỗ vốn nhưng quyết tâm bám trụ với nghề, chàng trai khuyết tật không bỏ cuộc. Được bạn bè giúp đỡ cộng thêm uy tín làm ăn từ những lần trước, mỗi năm xưởng của Minh có khoảng 20 - 25 đơn hàng. Mỗi đơn hàng có từ 1.000 - 2.000 sản phẩm, giá dao động mỗi sản phẩm 30.000 - 60.000 đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng Minh cũng có thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng. Số tiền đủ cho anh nuôi mẹ già và bản thân. Biết anh có xưởng may, người từ các xã lân cận tìm đến xin việc ngày càng đông. Nhiều người chưa biết nghề đều được anh đào tạo. Đến nay, xưởng có 25 lao động làm việc thường xuyên với thu nhập từ 2,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Chị Nguyễn Thị Phương, xã Đông Hoàng chia sẻ: Tôi làm ở đây từ ngày đầu thành lập. Tính đến nay cũng được hơn 2 năm. Làm việc ở đây tôi thấy rất thoải mái, gần nhà có thể về buổi trưa để chăm sóc con nhỏ. Với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng, tôi có thể lo cho cuộc sống gia đình mình. Tôi và nhiều người lao động rất khâm phục ý chí, nghị lực của anh Minh. Không chỉ giỏi về kỹ thuật chuyên môn, năng động, nhạy bén đi tìm nguồn hàng, anh rất quan tâm tới đời sống người lao động, trả lương đầy đủ, đúng hẹn.
Những khó khăn ban đầu về vốn, nhân công, nguồn hàng dần được giải quyết, con đường lập nghiệp của Minh giờ đây cũng đã vơi bớt khó khăn. Thế nhưng, mơ ước về việc mở rộng xưởng của chàng trai khuyết tật chưa dừng lại.
Hiện anh đang ấp ủ dự định đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc để mở thêm một chuyền may, tăng số lao động may chính lên 30 người. Hướng đi tới của anh là tập trung vào thị trường nước ngoài. Nghị lực vượt lên chính mình của chàng trai khuyết tật khiến nhiều người khâm phục. Song với Minh, bí quyết chỉ đơn giản là đừng bao giờ nghĩ mình có khiếm khuyết.
- Anh Vũ Văn Tiến với mô hình trồng rau thủy canh.()
- Trương Công Điệu và bản nhạc thăng trầm cùng con ngao.()
- Ông Huyến sống xanh()
- Đức ông Trần Trung Hà- người giàu lòng nhân ái.()
- Ông Đỉnh nước sạch()
- Chuyện người thương binh đi tìm hài cốt liệt sỹ.()
- Thương binh Phạm Xuân Thỏa nhiệt huyết với phong trào xây dựng nông thôn mới()
- Chàng trai khuyết tật lập nghiệp từ nghề may()
- Ông Bốn tích đất làm trang trại.()
- Cụ Kiều đam mê, thắp sáng văn hóa đọc()