A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếng thơm muôn thủa

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), dưới sự lãnh đạo của Đảng, năm 1930 - 1931, một cao trào cách mạng nổ ra rộng khắp trong cả nước, đỉnh cao là Xôviết - Nghệ Tĩnh. Để hưởng ứng cao trào cách mạng và chia lửa với nông dân Nghệ Tĩnh, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Thái Bình và các chi bộ đảng cơ sở, nông dân 3 làng Nho Lâm, Thanh Giám, Đông Cao đã được chuẩn bị về tư tưởng và sẵn sàng hành động.

 

 

Đồng chí Hoàng Văn Túy, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện trao Huy hiệu 70 năm tuổi đảng 

cho đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa, Đảng bộ thị trấn Tiền Hải

Sáng ngày 14/10/1930, sau một hồi trống vang lên trước đình Nho Lâm, cùng với tiếng loa, tiếng tù và kêu gọi quần chúng tập hợp, với đội ngũ chỉnh tề; cùng lúc đó từ Thanh Giám, Đông Cao quần chúng cách mạng được tập hợp; đoàn Nho Lâm, Thanh Giám tiến theo đường Đồng Châu, đoàn Đông Cao tiến theo hướng cầu Các Già, đến khu vực Trái Diêm (Tây Giang) hai đoàn hợp lại, cùng với nhân dân các làng Thư Điền, Tiểu Hoàng, Trình Phố và nhân dân trong huyện nhân ngày phiên chợ, đoàn người càng thêm đông. Trên một nghìn người tiến thẳng vào huyện lỵ, vừa đi vừa giương cao cờ đỏ búa liềm, biểu ngữ, vừa hô vang các khẩu hiệu cách mạng:

- Không được đụng đến công nông Nghệ Tĩnh.

- Phải trả tiền đào sông Cốc Giang.

- Phá “tư điền gián” thành “công điền quân cấp”.

- Yêu cầu giảm sưu thuế, xóa bỏ bắt muối, bắt rượu.

- Ủng hộ liên bang Xôviết.

Một khí thế hào hùng, sôi động chưa từng có diễn ra ở Tiền Hải lúc bấy giờ. Trước cổng huyện đường, với những lời lẽ đanh thép lên án kẻ thù, kêu gọi binh lính quay về với nhân dân, đòi quyền lợi chính đáng, ủng hộ Xôviết - Nghệ Tĩnh, cuộc biểu tình càng thêm sôi động. Hoảng hốt trước khí thế mãnh liệt của quần chúng cách mạng, Tri huyện Phan Huy Tiếp bỏ trốn, Lục sự Bế Văn Khánh đã chỉ huy đội lính bắn vào đoàn biểu tình làm 8 người hy sinh và 13 người khác bị thương, 40 người bị bắt.Ngay trưa hôm đó, chúng đã tiến hành khủng bố trắng rất dã man tại 3 làng: Nho Lâm, Thanh Giám, Đông Cao. Chúng bắt thêm 78 người, trong đó có 33 đảng viên.

Trong các nhà lao Thái Bình, Nam Định, Hà Nội, các chiến sĩ cách mạng 14/10 và quần chúng cách mạng kiên trung vẫn tiếp tục đấu tranh với kẻ thù để bảo toàn khí tiết. Tháng 9/1931, chúng đưa các đồng chí ra xét xử tại Thái Bình. Trong phiên tòa, các chiến sĩ đã đanh thép vạch trần tội ác của thực dân Pháp và bè lũ tay sai, khiến chúng không tìm được chứng cứ để buộc tội, cuối cùng chúng đã phải dùng hình thức áp đặt 9 đồng chí phạm vào tội “âm mưu khuynh đảo chính phủ” lĩnh án từ 10 - 15 năm tù; đồng chí Ngô Duy Phớn, một chiến sĩ kiên cường, bất khuất bị kết án 15 năm tù khổ sai đầy đi Côn Đảo; 31 đồng chí khác bị kết án tù từ 2 - 5 năm. Tổng cộng tất cả số năm tù của 40 đồng chí là 225 năm.

Cuộc biểu tình của nhân dân Tiền Hải ngày 14/10/1930 có ý nghĩa lịch sử to lớn và có tiếng vang trong toàn quốc. Vai trò lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tỉnh ủy Thái Bình và các chi bộ cơ sở đã được khẳng định. Xứ ủy Bắc Kỳ đã khẳng định “cuộc biểu tình lưu huyết ở Tiền Hải (Thái Bình) có thể là bước đầu hết thảy công nông quần chúng đấu tranh kịch liệt ở Bắc Kỳ”, đồng thời khẳng định quyền và năng lực lãnh đạo cách mạng của Đảng ta, đem lại cho nhân dân niềm tin vững chắc vào giai cấp vô sản và sức mạnh vĩ đại của chính bản thân mình.

93 năm đã qua, với ý nghĩa sâu sắc của cuộc biểu tình 14/10/1930, Đảng bộ và nhân dân Tiền Hải luôn nêu cao và phát huy truyền thống vẻ vang qua từng thời kỳ cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Tiền Hải đã vùng lên giành chính quyền, cùng với nhân dân cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các tổ chức cứu quốc ở Tiền Hải đã được thành lập và hoạt động sôi nổi. Thực hiện bình dân học vụ, hũ gạo kháng chiến; phong trào du kích, tự vệ rào làng kháng chiến, phong trào nuôi quân, chăm sóc thương binh góp phần cùng với quân dân cả nước chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Quân và dân Tiền Hải đã đánh hàng trăm trận, san phẳng hàng chục đồn bốt và tháp canh, giải phóng quê hương. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Tiền Hải đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, thực hiện “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Sau chiến thắng vĩ đại ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất, Đảng bộ và nhân dân Tiền Hải đã ra sức phấn đấu khôi phục và phát triển kinh tế. Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân trong huyện luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào đường lối đổi mới, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, luôn luôn chủ động, sáng tạo phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân vững mạnh.

Truyền thống lịch sử 195 năm hình thành và phát triển; 93 năm ngày biểu tình của nông dân Tiền Hải chống thực dân, phong kiến là mốc son chói lọi, luôn là niềm tự hào, là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiền Hải quyết tâm phấn đấu đạt được những thành công mới.

Đình Nho Lâm, xã Đông Lâm, nơi dấu ấn lịch sử của phong trào nông dân năm 1930

Hoàng Văn Túy

 (Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tiền Hải)

Theo Báo Thái Bình


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 5 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.366
Hôm qua : 8.274
Tháng 09 : 61.005
Năm 2024 : 704.472