A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tạ Xuân Thu- Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Hải quân Việt Nam

Thiếu tướng Tạ Xuân Thu là Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của Quân chủng Hải quân Việt Nam. Ông đã tham gia xây dựng và tạo nền cho binh chủng còn rất mới mẻ của Quân đội, góp phần gìn giữ biển đảo Việt Nam. Người con của quê hương tiếng trống Tiền Hải

Thiếu tướng Tạ Xuân Thu là Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của Quân chủng Hải quân Việt Nam. Ông đã tham gia xây dựng và tạo nền cho binh chủng còn rất mới mẻ của Quân đội, góp phần gìn giữ biển đảo Việt Nam.

Người con của quê hương tiếng trống Tiền Hải

Thiếu tướng Tạ Xuân Thu (tên thật là Tạ Tiếu) xuất thân trong một gia đình yêu nước thuộc xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Là người con của quê hương “Tiếng trống năm 1930”, một vùng quê có truyền thống yêu nước và cách mạng, ngay từ khi ở tuổi thanh niên, ông đã tham gia nhiều hoạt động yêu nước, chống thực dân Pháp.

17-39-32_t-xun-thu

Thiếu tướng Tạ Xuân Thu (1916 - 1971)

Năm 21 tuổi, Tạ Xuân Thu thoát ly gia đình, tham gia hoạt động cách mạng. Sau một thời gian phấn đấu, năm 1938, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và hoạt động sôi nổi trong phong trào cách mạng ở nhiều tỉnh, đặc biệt là ở Tuyên Quang.

Năm 1940, bị thực dân Pháp bắt giam. Tạ Xuân Thu đã phải lần lượt nếm trải qua các phòng giam ở nhà tù Chợ Chu, Định Hóa, Thái Nguyên. Tháng 10/1944, trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng vùng Tân Trào - núi Hồng, Xứ ủy Bắc Kỳ chủ trương tổ chức cho Tạ Xuân Thu khi đó là Chi ủy viên phụ trách Kinh tế trong nhà tù, cùng 12 cán bộ ở nhà tù Chợ Chu vượt ngục.

Nhận được chỉ thị của Xứ ủy Bắc Kỳ và kế hoạch của các đồng chí bên ngoài, Tạ Xuân Thu cùng Song Hào (Bí thư Chi bộ nhà tù Chợ Chu), Trần Thế Môn, Lê Trung Đình, Hoàng Hữu Kháng, Nhị Quý... vượt ngục. Vượt ngục an toàn, ra ngoài, Tạ Xuân Thu tham gia Cứu quốc quân ở Tuyên Quang.

Lãnh đạo khởi nghĩa Thanh La (Tuyên Quang)

Thực hiện những chủ trương của Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp là Phân khu ủy Nguyễn Huệ, Tạ Xuân Thu cùng các đồng chí Song Hào, Lê Trung Đình, Chu Viết Phóng, Khánh Phương… ngày đêm lăn lộn với phong trào, bám sát tình hình, tổ chức xây dựng Mặt trận Việt Minh, phát triển lực lượng cách mạng về mọi mặt, tiến tới khởi nghĩa từng phần ở nhiều địa phương, trong đó có Thanh La, Sơn Dương, Tuyên Quang.

Nhận thấy Thanh La là cơ sở vững vàng, có thể khởi nghĩa giành chính quyền ngay sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), đồng chí Tạ Xuân Thu đã bàn bạc với lãnh đạo Phân khu Nguyễn Huệ mạnh dạn hành động mặc dù chưa có chỉ thị của cấp trên.

Ngày 11/3/1945, đồng chí Tạ Xuân Thu trực tiếp chỉ huy lực lượng vũ trang (nòng cốt là đội Cứu quốc quân III) cùng quần chúng nhân dân đi tịch thu bằng sắc, ấn, triện của lý trưởng, kỳ hào, tước vũ khí của lính dõng ở Thanh La.

Thiếu tướng Tạ Xuân Thu (1916 - 1971) còn được tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa I và khóa II, Chính ủy Binh chủng Pháo binh, Chính ủy Học viện Quân sự và được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1961.

Thừa thắng tiến lên, Cứu quốc quân tiến đánh các xã lân cận, hạ đồn Đăng Châu, châu lỵ Sơn Dương, đổi tên thành châu Tự Do. Từ châu Tự Do, Tạ Xuân Thu cùng Nguyễn Công Bình đưa quân đi giải phóng Chợ Chu (Thái Nguyên) rồi vòng về hợp với lực lượng của Lê Thùy, Tô Vũ giải phóng Chiêm Hóa, Na Hang và đổi tên châu Na Hang thành châu Xuân Trường.

Phong trào cách mạng diễn biến khẩn trương, tháng 7/1945, Tỉnh ủy lâm thời Tuyên Quang được thành lập do Tạ Xuân Thu làm Bí thư. Từ đó, ông là người chịu trách nhiệm lãnh đạo mọi mặt ở những vùng đã giải phóng, chuẩn bị tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ.

Tư lệnh kiêm chính ủy hải quân đầu tiên

Từ tháng 11/1955 đến năm 1963, ông là Chính ủy kiêm Cục trưởng Cục phòng thủ bờ biển (tiền thân của Quân chủng Hải quân). Năm 1964, Tạ Xuân Thu được giao trọng trách Tư lệnh Quân chủng Hải quân rồi Chính ủy quân chủng. Ông là vị Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Hải quân Việt Nam.

Tư lệnh Tạ Xuân Thu đã cùng các đồng chí lãnh đạo Hải quân xây dựng Đoàn tàu không số, thiết lập đường Hồ Chí Minh trên biển, thành lập các đoàn Đặc công nước 125 và 126, đồng thời tiếp nhận những thành tựu mới về khoa học kỹ thuật tiên tiến để ứng phó với Hải quân và Không quân Mỹ.

Ngay từ năm 1957, khi còn là Chính ủy kiêm Cục trưởng Cục phòng thủ bờ biển, ông đã sang Liên Xô, trực tiếp tham quan các đơn vị hải quân nước bạn. Trở về, ông đem theo những kinh nghiệm tiếp thu được để truyền đạt cho binh chủng còn khá mới mẻ trong quân đội.

Năm 1971, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước còn dang dở, đất nước chưa thống nhất, Thiếu tướng Tạ Xuân Thu qua đời. Thượng tướng Song Hào, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, thay mặt Quân ủy Trung ương, đánh giá về ông:

“Suốt 35 năm liên tục chiến đấu, đồng chí Tạ Xuân Thu đã cống hiến cả cuộc đời mình, đã đóng góp nhiều thành tích vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, vào sự nghiệp xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của các lực lượng vũ trang nhân dân ta... Đồng chí là một đảng viên ưu tú của Đảng Lao động Việt Nam, một cán bộ có đạo đức, có tài năng của Quân đội Nhân dân Việt Nam”.

Cách mạng Tháng Tám thành công, từ tháng 10/1945 đến năm 1950, đồng chí Tạ Xuân Thu giữ chức Chính trị viên Khu 1, Chính ủy khu 10, phụ trách Mặt trận Tây Tiến, kiêm Ủy viên kiểm tra của Quân ủy Trung ương và Thanh tra Quân đội.

Là phái viên quân sự của Chính phủ Việt Nam sang giúp Chính phủ Lào (1950 - 1953), trực tiếp chỉ huy bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Thượng Lào, ông đã hết sức chăm lo góp phần vào việc thắt chặt tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc anh em Việt - Lào để cùng nhau đánh thắng giặc Pháp xâm lược, cũng như sau này, khi được giao nhiệm vụ làm Chính ủy các đơn vị, các binh chủng, Tạ Xuân Thu đã đóng góp nhiều công sức xây dựng đơn vị, binh quân chủng trưởng thành, chiến đấu thắng lợi

 

Sưu tầm


Nguồn:tienhaitb.gov.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến
Theo bạn thông tin nội dung của website thế nào?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.823
Hôm qua : 8.964
Tháng 09 : 135.783
Năm 2024 : 779.250