Nơi những hồn thiêng hóa thành bất tử
Tiền Hải hiện có 27 hạng mục công trình tri ân tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, trong đó có 8 nghĩa trang khu vực là nơi an nghỉ của trên 1500 liệt sĩ, 10 đài tưởng niệm liệt sĩ, 8 nhà bia ghi danh, 1 đền thờ liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ trung tâm huyện. Trong những ngày tháng 7 tri ân này, có rất nhiều người về với các nghĩa trang liệt sĩ để tưởng nhớ, để lắng đọng lại cảm xúc lòng mình. Họ - những chàng trai, cô gái ra đi giữa mùa Xuân của đất trời, giữa mùa Xuân của cuộc đời để rồi tên mình “khắc vào đá núi”. Mời quý vị về thăm nghĩa trang Liệt sĩ xã Đông Lâm, nơi “Những hồn thiêng hóa thành bất tử”.
Nghĩa trang Liệt sĩ xã Đông Lâm
Những ngày này, có rất nhiều người dân về với nghĩa trang liệt sĩ xã Đông Lâm để thắp nén tâm nhang thành kính dâng lên những người con đã ngã xuống vì Tổ quốc. Hoà cùng dòng người về viếng nghĩa trang, có những người vợ tới thăm chồng, các con tới viếng cha, nhiều phụ nữ tóc đã bạc thăm lại người yêu, những người cựu binh da đồi mồi trở về thăm đồng đội. Và trong số đó, còn có rất nhiều đoàn, nhiều cá nhân đến đây như về chốn tâm linh. Ai cũng muốn tự tay thắp nén hương, thành kính tri ân, nghiêng mình trước anh linh các liệt sĩ đã hy sinh vì hòa bình của đất nước. Trong lòng mỗi người trào dâng sự xúc động, nghẹn ngào.
Dọc theo những tấm bia mộ trải dài, chúng tôi gặp một lão ông chừng 70 tuổi đang chăm chút tỉa chân nhang, lau dọn một ngôi mộ liệt sĩ. Trong cái dáng hao gầy của tuổi xế chiều, ông Lê Đức Dục, 74 tuổi lấy tay quệt vội những giọt nước mắt trên gò má và ngậm ngùi chia sẻ với chúng tôi: “Em tôi cùng với anh em địa phương về yên nghỉ tại nghĩa trang Liệt sĩ xã Đông Lâm, hàng tháng tôi đều ra nghĩa trang để thắp hương cho em cùng đồng đội. Tôi rất cảm ơn Đảng và Nhà nước đã đưa em tôi về yên nghỉ gần gia đình. Tôi vô cùng cảm ơn!”
Có 235 Liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang Liệt sĩ xã Đông Lâm
Ông Vũ Đức Cảnh, một người lính từng chiến đấu ở chiến trường Thuận An – Huế, Kho xăng Ninh Chiểu - Đà Nẵng những năm 1974. Trở về sau chiến tranh, ông mang trên mình thương tật mất một mắt trái và điếc một tai trái. Tuy nhiên ông vẫn cảm thấy mình may mắn hơn rất nhiều những đồng đội đang yên nghỉ nơi đây. Thắp nén tâm nhang cho người đồng đội, ông xúc động nghẹn ngào: “Tôi cảm thấy rung động trái tim, nghĩ rằng mình quá may mắn so với những người đồng đội nằm xuống. Hôm nay thắp nén hương cho đồng đội, nước mắt cứ dâng trào.”
Thời tiết tháng 7 nắng nóng như đổ lửa. Cả khu nghĩa trang lúc này chỉ toàn một màu trắng: màu trắng của những ngôi mộ, của nắng, của khói hương nghi ngút. Đứng trước 235 ngôi mộ liệt sĩ nằm cạnh nhau, để cảm nhận rõ hơn sự hy sinh lớn lao của các anh, các chị để giành lại độc lập cho dân tộc, thống nhất cho giang sơn. Trong những người đã yên nghỉ nơi đây, có người lính tuổi đôi mươi trẻ trung phơi phới, gửi lại nơi chiến trường bao ước mộng dở dang. Có dòng nhật ký với nét chữ vội vàng cùng thổn thức một tình yêu tuổi trẻ. Có những dự định mãi không thể hoàn thành, dẫu chỉ giản đơn: Hết chiến tranh con về với mẹ… Không bút nào kể xiết, chẳng thể nói đủ thành lời về những mất mát, đau thương. Mỗi nấm mồ, mỗi số phận, mỗi cuộc đời nhưng đã vì độc lập, tự do, vì toàn vẹn lãnh thổ mà dâng hiến tuổi xuân xanh.
Các hoạt động tri ân tại nghĩa trang Liệt sĩ xã Đông Lâm
Chúng tôi cùng đoàn người rời nghĩa trang trong niềm xúc động lan tỏa niềm tin. Xin gửi gắm vào những nén tâm hương cùng tiếng chuông thỉnh tâm nguyện của mình, cầu nguyện cho hương hồn các chiến sĩ đã hy sinh được siêu thoát và cầu nguyện đất nước hòa bình, nhân dân an lạc. Tôi chợt nhận ra rằng, nghĩa trang đâu phải là nơi của cái chết mà là nơi những hồn thiêng của các anh, các chị đã hóa thành bất tử. Để mỗi khi lòng chùng xuống bởi những khó khăn, gian khó, chúng tôi lại nhận ra rằng, đó chính là nơi làm mình thêm thiết tha yêu, thêm ắp đầy trong huyết quản niềm tự hào dân tộc, niềm tự tôn dân tộc, giống nòi, để tiếp tục cống hiến, làm việc hăng say vì đất nước, quê hương.
Ngọc Hà