Anh Rạng đã rạng
Sinh ra và lớn lên ở Đông Phong - một xã nghèo thuần nông của huyện Tiền Hải, từ nhỏ anh Nguyễn Hữu Rạng chỉ quen với cây lúa, củ khoai, con gà, con vịt. Sau khi học hết phổ thông, gia nhập quân đội, được đi đây đi đó anh mới thấy quê mình nghèo thật. Cũng từ đó, suy nghĩ làm giàu luôn nung nấu trong anh.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ của một công dân với Tổ quốc, anh Rạng về quê xây dựng gia đình, cần mẫn làm ăn mong sao thoát khỏi cái đói, cái nghèo. Nhưng vì đất chật người đông nên để thoát nghèo là rất khó chứ chưa nói đến làm giàu. Anh bàn với gia đình đi xuất khẩu lao động ở Malaysia. 6 năm làm việc ở nước bạn, là bằng đó thời gian anh tự rèn luyện mình. Hết thời hạn lao động trở về quê hương, anh liền bắt tay ngay vào phát triển kinh tế nuôi ước mơ làm giàu.
Trò chuyện với tôi anh bảo, những ngày đi cùng bạn bè ở ven biển Đồng Châu, cồn Vành anh thấy đất đai quê mình còn nhiều quá mà người dân thì chưa biết cách khai thác nên đất còn bỏ hoang nhiều, ngay cả những chỗ đang nuôi ngao, nuôi cá, nuôi tôm, cấy lúa thì hiệu quả cũng rất thấp.
Ước mơ đến với những vùng đất khó ven đê, vùng đất bãi ven biển để làm giàu lóe lên trong đầu Nguyễn Hữu Rạng từ ngày đó. Anh bắt đầu đi tìm chỗ thuê đất, lúc đầu là thuê bãi để nuôi ngao nhưng do thời tiết không thuận lại cộng với thiếu kinh nghiệm nên thành công đã không đến với anh. Một phần vốn tích lũy được đã theo nước triều ra sông, ra biển. Thế mới biết làm giàu khó thật nhưng câu nói “có gan làm giàu” mà các cụ đã tổng kết từ nhiều đời vẫn văng vẳng trong anh. Anh bàn với vợ chuyển từ thuê bãi nuôi ngao sang thuê ao đầm nuôi cá.
Thực tế cho anh thấy, những khu ao đầm ở ven đê biển số 5, cạnh cống Lân II thuộc địa phận xã Nam Cường người dân đang nuôi tôm, cá nhưng hiệu quả không cao nên nhiều gia đình bỏ hoang. Anh cùng với vợ đi đến từng gia đình hỏi thuê lại những ao này. Có ao rồi, từ bài học thất bại của việc nuôi ngao đã dạy cho anh phải thận trọng hơn trong việc nuôi cá.
Qua nghiên cứu thực tế cộng với tìm hiểu qua sách báo, nghe đài, xem tivi, anh quyết định nuôi nhiều loại cá khác nhau để khai thác thức ăn ở các tầng nước kết hợp nuôi cá truyền thống như cá trắm đen, trắm cỏ, chép, trôi, mè đan xen với những giống cá mới cho giá trị kinh tế cao, đang được thị trường ưa chuộng như cá vược, cá sủ, cá rô phi đơn tính. Trong các ao cũng không thả tràn lan mà phân ra ao nuôi cá ương, cá giống, ao nuôi cá thịt, ngay trong các ao nuôi cá thịt cũng phân ra có ao nuôi nhiều loại cá khác nhau, có ao chỉ nuôi một hoặc hai loại, từ đó có chế độ chăm sóc riêng để cá nhanh lớn đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm, anh còn tìm đến với các chủ ao đầm trong và ngoài huyện, thậm chí đi cả Hải Phòng, Nam Định để trao đổi kinh nghiệm bàn cách liên kết làm ăn, mua và bán cá mỗi khi có nhu cầu. Cách làm này đã giúp cho anh Rạng vừa tăng nhanh được sản lượng cá nuôi, vừa tăng được thu nhập qua từng năm. Giờ đây vợ chồng anh đã yên tâm hơn với nghề nuôi cá và từng bước làm giàu từ cá.
Ở vùng đất bãi ven biển phía Đông của huyện Tiền Hải, Nguyễn Hữu Rạng đã từng bước tỏa sáng nhờ nghề nuôi cá. Tuy vậy, để làm giàu từ con cá thì con đường phía trước của vợ chồng anh còn nhiều vất vả, gian nan song với đức tính cần cù lao động, ham học hỏi của người dân vùng biển chắc chắn cùng với thời gian chặng đường phía trước của Nguyễn Hữu Rạng sẽ ngày càng rạng sáng hơn.
Theo Baothaibinh.com.vn