Đình Đông Quách xã Nam Hà

Đình Đông Quách tọa lạc trên diện tích 1640 m2 tại trung tâm làng Đông Quách, mặt hướng về phía Tây Nam, xung quanh là ruộng lúa, ao hồ và vườn cây ăn quả, môi trường xanh, sạch đẹp, thoáng mát.

Đặc điểm:
Đình Đông Quách là nơi thờ phụng Đức bản thổ thành hoàng, đức đại càn quốc gia Nam Hải Tứ Vị Hồng Nương là vị thần thờ phổ biến tại các xã ven biển của tỉnh Thái Bình nói chung. Đình Đông Quách là nơi thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo đại vương, thờ đức doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Những vị thần này đều thuộc hệ chính thần đã được các triều đại phong kiến Việt Nam từ thời Trần đến thời Nguyễn đều cho phép người Việt Nam thờ phụng. Ngày nay đình còn lưu được các sắc phong của các đời vua như Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định phong cho các vị thần đã nêu trên.

Đình Đông Quách xã Nam Hà

Quy mô kiến trúc của đình Đông Quách hiện tại theo thể thức “Tiền chữ nhất, hậu chữ công”. Từ bên ngoài vào toà bái đường 05 gian, 03 gian toà trung, tiếp đến là 02 gian ống muống nối với 3 gian hậu cung. Tổng số toàn bộ ngôi đình là 13 gian.

     -  Toà bái đường là ngôi đình lớn có quy  mô 5 gian được xây dựng theo kiểu thức hồi văn năm đấu. Phần mái có kìm đại bờ đấp trụ đấu và hai đầu hồi phần hiên tiếp đắp thụ biểu hoa giành giành lồng đèn. Chái hai hồi đình trang trí chỉ ô sa và chữ ô chữ thọ dạng hán tự.
     -  Phần nội thất: Đình làm theo kiểu tứ trụ lòng thuyền khung kiến trúc bằng gỗ lim bốn vì kéo giữa đình được chạm trổ tinh vi các nội dung Tứ Linh tại các cốn tiền và cốn hậu, phần rốn nhện và má câu đầu của bốn cặp vì kéo đều chạm rồng đỡ cây thượng lương, đôi con Lân giơ cho rồng tỳ vào nâng đỡ sức nặng của mái đình.
            Mặt bên trái của mảng cốn này chạm hoa văn hoạ tiết kỷ hà lá lật, 08 đầu dư chạm đầu rồng các ghé dỡ, bẩy hiên tiền và bẩy hiên hậu chạm trổ nội dung tứ quý và tứ linh.
     -  Kiến trúc toà điện trung tế: Quy mô xây dựng là 3 gian làm theo kiểu hồi văn 3 đấu. Nội thất làm theo kiểu lộn thềm, kết cấu kéo: “Thượng chúa báng, hạ kẻ chuyền” xà vượt và các câu đầu đều soi chỉ gờ má trai bào trơn đóng bén, chạm trổ không có gì đặc biệt.
     -  Kiến trúc toà điện ống muống nối toà trung tế với hậu cung: Đây là 2 gian nhà làm theo kiểu kéo cầu quá giang vượt. Các vì kéo làm theo kiểu thượng quang đèn, hạ kẻ chuyền.
     -  Kiến trúc toà điện hậu cung: Toà điện này cũng được làm theo kiểu hồi văn cánh bảng. Gian trung tâm nối liền với gian ống muống. Phần mái điện cuốn vòm và dán ngói cổ vảy rồng, không chạm trổ gì đặc biệt.


Ngày 11 tháng 10 năm 2006, Đình được công nhận di tích quốc gia theo quyết định số 83/2006/QĐ-BVHTT.

Đình làng Thanh Giám xã Đông Lâm.

Đình làng Thanh Giám được xây dựng từ thời Tự Đức Tam Thập niên 1877. Ngôi đình được kiến trúc theo thế chữ môn (Nội công ngoại quốc) gồm các hạng mục công trình:

Hậu cung (cung cấm) thờ Thành hoàng làng Đức tiên công Phan Tọng Lạn và các vị tiên công các dòng họ có công lập làng; tòa đệ nhị; sân trời; hệ thống tả vu hữu vu nối liền sân trời với tòa Đại Bái; Hai ngôi giải võ ở phía năm và phía bắc sân; Ngôi văn chỉ thờ thần học khổng tử nối liền với ngôi giải võ ở phía bắc sân về phía tây bắc; hệ thống cổng đình, vườn đình; miếu thờ nằm ở phía Đông bắc đình.

Trải qua thời gian dài dưới sự đô hộ của thực dân pháp một số đồ thờ bằng đồng trong đình làng bị mất. Một số hạng mục của đình làng bị tháo dỡ hạ giải như ngôi văn chỉ, hai ngôi giải võ. Năm 1930 ngôi đình là nơi tập trung nhân dân trong làng tham gia cuộc biểu tình của nông dân Tiền Hải 14/10/1930. Trong những năm kháng chiến chống Pháp đình làng là nới cất dấu vũ khí, hội họp dân quân du kích và nuôi dưỡng thương binh.

Năm 1986 Đình làng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Khi làm hồ sơ đề nghị công nhận di tích lịch sử đình chỉ có các công trình hậu cung, tòa đệ nhị, sân trời, hệ thống tả vu, hữu vu và tòa đại bái.

Năm 1999 do di tích bị xuống cấp nghiêm trọng Ủy ban nhân dân xã đã lập tờ trình trình Ủy ban nhân dân tỉnh và Bảo Tàng tỉnh cho phép hạ giải cải tạo lại toàn bộ di tích và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép cải tạo lại toàn bộ di tích. Công tác cải tạo di tích được tiến hành tờ năm 2001 đến năm 2011 mới cơ bản hoàn thiện như ngày nay. Hiện tại ngôi di tích gồm tòa hậu cung thờ Thành hoàng làng và các bậc tiền nhân đã có công dựng làng, tòa đại bái khang trang. Có được như vậy là sự vào cuộc của các cấp ủy đảng chính quyền địa phương và nhân dân trong làng đã góp công, góp của để xây dựng lên.

Đình Nho Lâm xã Đông Lâm

Năm 1823 các bậc tiền nhân ấp Nho Lâm đã lập miếu thờ hướng Đông kiểu dáng đơn giản . Năm 1869 miếu thờ được nâng cấp thành ngôi đình 3 gian. Đình được làm theo dạng thức đơn giản cột, kèo chất liệu gỗ, giàn mái bằng tre lợp rạ. Năm 1846 vua Thiệu Trị ban sắc chỉ cho nhân dân ấp Nho Lâm được thờ cúng Đức Thánh Mẫu vì người đã có công “phù dân hộ quốc”.

Đình Nho Lâm xã Đông Lâm

Năm 1893 ngôi đình hướng Đông được hạ giải và xây lại theo hướng Nam. Giai đoạn 1 xây dựng tòa hậu cung (cung cấm) và tòa trung đường. Tòa hậu cung với kiểu dáng đơn giản thờ Đức Thánh Mẫu. Tòa trung đường kiến trúc 3 gian được kiến trúc trạm trổ công phu. Năm 1925 xây dựng tòa tiền đường năm 1926 thì hoàn thành.

Ngày 14/10 năm 1930 Đình làng là nơi nổi trống phát lệnh cho cuộc biểu tình ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Năm 1962 Bác Hồ gặp và nói chuyện với Đảng bộ và nhân Đông Lâm cùng các đại biểu các huyện  trong tỉnh tại khu đất về phía bắc đình Nho Lâm. 

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ Đình làng là nơi nuôi dưỡng thương binh, cất giữ đạn pháo và lương thực.

 Năm 1986 Đình làng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.  Hiện nay ngoài việc thờ Đức Thánh Mẫu nhân dân trong làng đã lập bia thờ các vị tiên công thần tổ các dòng họ, các anh hung liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người đã cống hiến nhiều công đức máu xương góp phần dành độc lập tự do cho tổ quốc hạnh phúc cho nhân dân. Trải qua gần 200 năm hình thành và phát triển và qua nhiều lần trùng tu tôn tạo đến nay ngôi đình vẫn còn giữ được nét cổ kính của ngôi đình làng xưa. Có được như vậy là sự vào cuộc của các cấp ủy đảng chính quyền địa phương và nhân dân trong làng đã góp công, góp của để xây dựng lên.

Mả Bụt – Chùa Trung xã Vũ Lăng

Trước đây các thôn Dưỡng Thông, Văn Lăng, Phú Mỹ, Vũ Lăng đều thuộc xã Thượng Hiền huyện Kiến Xương. Sau đó, thôn Vũ Lăng tách ra thành xã Vũ Lăng thuộc huyện Tiền Hải ngày nay, xã Vũ Lăng là một trong những địa phương giàu truyền thống cách mạng của tỉnh Thái Bình. Năm 2014, xã Vũ Lăng được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp”.

Theo Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Vũ Lăng, từ thời điểm 10/1939 chính quyền thực dân, phong kiến thực hiện nhiều chính sách khủng bố, đàn áp các tổ chức quần chúng tại Thái Bình. Trước tình hình đó, chi bộ Vũ Lăng quyết định các cuộc đấu tranh phải tổ chức bí mật và tập trung mũi nhọn vào bọn đế quốc, đồng thời phát triển các tổ chức quần chúng… Sau đó, Chi bộ Vũ Lăng nhận được lệnh của Tỉnh ủy Thái Bình về việc lãnh đạo tổ chức và vận động quần chúng nhân dân địa phương tham gia vào cuộc mít tinh lớn tại Mả Bụt. Đây là cuộc mít tinh do Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo nhân kỷ niệm 10 năm phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh với sự tham gia của nhân dân 3 huyện Tiền Hải, Kiến Xương và Thái Ninh nay là huyện Thái Thụy.
Theo tương truyền, tên gọi Mả Bụt bắt nguồn từ nguyên do đây là một gò đất cao và trước đây có một tượng Phật theo sông Sứ trôi dạt vào. Theo tín ngưỡng, người dân lập chùa Đoài để thờ, hiện nay ngôi chùa không còn. Vào giai đoạn cách mạng 1930 - 1945, Tỉnh ủy chọn Mả Bụt là nơi tổ chức mít tinh. 
Chiều 12/9/1940, lợi dụng hội làng Dưỡng Thông và Vũ Lăng, hàng ngàn người dân 3 huyện Kiến Xương, Tiền Hải và Thái Ninh đã tập trung tại Mả Bụt với sự bảo vệ của đội tự vệ Vũ Lăng và các vùng lân cận. Lúc đó, đồng chí Chu Thiện, quyền Bí thư Tỉnh ủy đã đứng lên diễn thuyết. Sau cuộc diễn thuyết, hàng ngàn người dân đã biểu tình thị uy, hô vang khẩu hiệu “Đảng Cộng sản Đông Dương vạn tuế”, “Đả đảo đế quốc khủng bố dã man”. Cuộc biểu tình tại Mả Bụt đã để lại tiếng vang lớn trong toàn tỉnh, cổ vũ phong trào cách mạng tại nhiều địa phương.

Cùng với Chùa Trung là nơi từng sản xuất vũ khí, phục vụ cách mạng, năm 1993 di tích Mả Bụt được Bộ Văn hóa Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Khu lưu niệm văn thân yêu nước Ngô Quang Bích xã An Ninh

Từ đường Ngô Quang Bích - di tích lịch sử cấp quốc gia tại làng Trình Phố, xã An Ninh, huyện Tiền Hải 

Thờ văn thân yêu nước Ngô Quang Bích cùng 2 con trai Ngô Quang Đoan và Ngô Quang Tiềm.

* Hiện vật thời Nguyễn: 1 tượng, 1 khám, 2 cuốn thư, 4 câu đối, 2 hạc, 1 bát bửu, 1 ngai, 05 bát bửu, 04 thần chủ, 1 đỉnh đồng

* Hiện vật mới: 04 đôi câu đối, 01 khám thờ, 03 bàn thờ, 01 chuông đồng

Xây dựng thời Nguyễn, trùng tu năm 1930, tu sửa các năm 1990, 2004, 2016.

Nhà Lưu niệm đồng chí Bùi Viện (Từ đường họ Bùi) xã An Ninh

Nhà tưởng niệm danh nhân văn hóa Bùi Viện tại xã An Ninh (Tiền Hải).

 Nơi tưởng niện đ/c Bùi Viện, nhà cải cách, nhà ngoại giao giai đoạn (1839 – 1878)

* Hiện vật thời Nguyễn: 1 khám, 1 bộ bát bửu, 1 y môn, 4 ống hương, 6 cây nến, 1 chuông, 04 bát hương đồng, 04 mâm bồng đồng.                              

* Hiện vật mới: 04 khám thờ, 02 đôi câu đối, 02 hạc thờ, 01 chuông đồng.

- Xây dựng thời Nguyễn, năm 1993 tôn tạo lại.

Chùa Tiểu Hoàng – Tổ dân phố Trung Sơn – Thị Trấn Tiền Hải

- Thờ Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ Vị Hồng Nương

- Hiện vật thời Nguyễn: 03 sắc phong; 01 khám;          

* Hiện vật mới: 08 bát hương; 02 câu đối; 03 đại tự; 05 cửa võng; 12 tượng; 01 long đình; 02 khám; 02 nhang án; 01 ngai; 02 mâm bồng; 01 bộ chấp kích; 01 chuông.

- Xây dựng thời Nguyễn. Năm 1909; 1994 tu sửa lại đình. Năm 2007 tôn tạo lại. 

Đình Ngoại Đê (Đình thờ Nguyễn Công Trứ)

- Thờ Nam Hải đại vương; Đông Hải đại vương; Bản Thổ tôn thần; Dung Thụ đại vương; Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ.

* Hiện vật thời Nguyễn: 04 sắc phong Khải Định        

* Hiện vật mới: 05 bát hương; 01 đôi lộc bình; 03 câu đối; 02 khám; 04 đại tự; 01 cuốn thư; 10 cửa võng; 03 ngai; 03 nhang án; 02 tượng; 04 bài vị; 01 long đình; 01 kiệu bành; 01 tượng đồng; 02 lư hương đồng; 01 chuông; 02 mâm bồng đồng.

- Năm 1990, 2000 tu sửa lại đình.

 Đình Tổ (Đình Chính) -  xã Tây Giang

Thờ Thuỷ đức tôn thần hiển lợi quảng đại vương, đại càn Quốc gia Nam Hải đại vương; Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn.

 

* Hiện vật thời Nguyễn: 11 sắc phong, 1 khám, 2 long đình, 2 bài vị, 4 câu đối, 1 đại tự, 1 bia đá, 1 chuông  

* Hiện vật mới: 1 bộ bát bửu, 1 cửa võng, 1 bàn thờ, 1 chuông đồng, 7 bát hương

Xây dựng: 1909 Tu sửa: 1995, trùng tu bái đường, hậu cung: 2007. Trùng tu Trung đường: 2009

Nhà thờ họ Tạ - xã Tây Giang

- Thờ Thuỷ tổ họ Tạ. Là địa điểm cách mạng.

* Hiện vật thời Nguyễn: 2 sắc phong, 6 bát hương, 8 khám, 2 long đình, 2 bát bửu, 3 đại tự, 2 ngũ sự, 1 chuông, 1 bá6t hương đồng và một số hiện vật mới khác

- Xây dựng thời Nguyễn. Trùng tu: 1935. Tu sửa: 1990, 2003, 2010, 2014.

Chùa Thư Điền – xã Tây Giang

 

Theo khảo sát của Bảo tàng Thái Bình thì chùa Thư Điền được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII cùng với thời kỳ xây dựng ngôi đền ở làng cách đây hơn 300 năm. Thời kỳ này đạo Phật thịnh hành, chùa chiền phát triển. Tấm bia ở chùa ghi lại có 13 dòng họ, tổng cộng số tiền cúng tiến để tu bổ, sửa chữa là 964 quan cùng một số hiện và công lao động. Từ ngoài vào chùa phải qua một cây cầu bằng đá. Tấm bia đá ghi lịch sử xây cầu, dịch là: “Dòng sông ắt có cây cầu đá, có tác dụng bền vững, thuận tiện cho người qua lại. Dân ta có 04 ấp, ngôi chùa cổ ở vào vị trí phía Tây, bao quanh là một dải sông bạch, dòng nước không sâu nhưng trong lành tươi mát luôn chảy lững lờ theo thể tự nhiên, dưới dòng cá bơi thanh thản, du ngoạn bến nước giang thần, tạo nên một thắng cảnh ở vùng Diêm địa. Thượng tuần tháng 8 mùa thu năm Canh Tuất hoàn thành cây cầu mang hình dáng nửa vầng trăng nằm ngang sông uốn khúc... Ở dưới ghi: “Triều vua Tự Đức thứ 3, tháng 11, ngày lành, ông Lê Xương ở khu sở tại đỗ cử nhân khoa Canh Tuất biên soạn, ông Tạ Soái viết”. Căn cứ vào bia thì cây cầu đá hoàn thành mùa Thu năm Canh Tuất, tức tháng 8/1850. Ông Lê Xương biên soạn bia tháng 11 năm Tự Đức thứ 3 (1849). Như thế chùa không phải xây mới mà tu bổ sửa chữa trước và cùng thời gian làm cầu khoảng năm 1849-1850. Từ đó đến nay, chùa cũng nhiều lần được tu sửa, đặc biệt từ năm 1997 đến năm 2002 nhà chùa nâng cấp một số công trình, làm mới khu trước cửa và cổng dậu.

Ngày 1/5/1930 lá cờ Đảng búa liềm được treo lên ngọn cây đa của chùa để kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động và tuyên truyền cho sự ra đời của Đảng. Chùa còn là nơi hội họp của cán bộ cách mạng thời kỳ bí mật.

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh xã Nam Cường

Vào những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi, dưới ánh sáng của Đảng cộng sản Việt Nam, người dân Tiền Hải tiếp tục quai đê lấn biển, đẩy sóng ra xa, kéo chân trời gần lại. Được biết Thái Bình có phong trào lấn biển khai hoang và đạt thành tích cao trong sản xuất, ngày 26/3/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm và động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân Thái Bình lần thứ tư. Bác đến thăm và nói chuyện với xã viên Hợp tác xã Nam Cường, với cán bộ và nhân dân xã Đông Lâm. Tại mảnh đất nơi người nói chuyện cùng xã viên HTX Nam Cường ngày ấy, ngày 19/5/1995, Đền thờ Bác Hồ đã được khánh thành đưa vào sử dụng với tấm lòng thành kính tri ân sâu sắc, trở thành điểm tham quan, giao lưu, học hỏi, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, nhân dân trong và ngoài địa phương. Năm 2002, công trình được UBND tỉnh công nhận là Khu di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

 Ngày 12/10/2015 được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. 

Trải qua thời gian và điều kiện khí hậu, công trình đã xuống cấp. Năm 2021, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trung ương và tỉnh, huyện Tiền Hải đã quyết định tu bổ, tôn tạo, mở rộng Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đảm bảo hài hòa, đồng bộ về kiến trúc, cảnh quan, vừa tôn nghiêm, ấm cúng, vừa mộc mạc, gần gũi. Kinh phí đầu tư xây dựng được huy động từ ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa. 

Sáng ngày 8/5/2022, huyện Tiền Hải đã long trọng tổ chức cắt băng khánh thành Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Nam Cường. Đây là công trình có ý nghĩa to lớn trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân địa phương, thể hiện sự biết ơn vô hạn, lòng thành kính tri ân của lớp lớp người dân Tiền Hải đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Nam Cường được xây dựng trên diện tích 1,27ha, bốn phía đều giáp đường giao thông, được quy hoạch thành 3 cấp sân và các bồn cây xanh. Từ cổng vào là sân gạch đỏ theo đường dạo xung quanh. Sau bậc tam cấp lên sân thứ hai lát đá. Tiếp 5 bậc tam cấp lên sân thứ 3 là sân đền thờ lát đá. Công trình Đền thờ chính nằm ngay giữa trung tâm, phía trước là sân và hồ điều hòa. Phía trước hai bên là nhà tả vu, hữu vu. Phía sau hai bên là nhà truyền thống và nhà khách. Đền chính của Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được thiết kế, xây dựng theo kiến trúc hình chữ Đinh với lối kiến trúc cố truyền thống mái cong, mũi đao, các cửa đi có ngưỡng theo kiểu thượng song hạ bản chạm khắc hoa văn. Nội thất đồ thờ như bàn thờ, hoành phi, câu đối, cửa võng, đại tự làm thủ công bằng gỗ. Từ thị trấn Tiền Hải có thể đến Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh xã Nam Cường qua đường 221A mới được mở rộng nâng cấp, hoặc đi theo tỉnh lộ 465 qua Đồng Châu xã Đông Minh và xuôi theo đê biển số 5 đến xã Nam Cường.