Ẩm thực Tiền Hải
1. Món cuốn hành
Món cuốn là món ăn phổ biến ở Việt Nam và tùy mỗi vùng miền người ta lại lựa chọn chế biến theo một cách riêng. Như tại Tiền Hải món cuốn hành với cách chế biến khéo léo đã trở thành món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ dịp lễ, tết ở nơi đây.
Khác với các món cuốn khác có thể làm và ăn quanh năm, thì món cuốn hành của người Tiền Hải ngon nhất là vào cuối đông và đầu xuân bởi khi ấy mới đúng mùa hành củ. Đây là nguyên liệu quan trọng nhất tạo nên hương vị ngọt thơm của món ăn này. Cách chế biến món cuốn hành không quá kỳ công nhưng lại đòi hỏi nguyên liệu thật tươi ngon. Hương vị chính là hành củ thì phải là loại củ tươi nhỏ, ít lá rồi chần sơ. Các nguyên liệu khác như tôm thì đem hấp cùng sả để không bị tanh, đậu phụ thái mỏng nhưng chỉ rán hơi giòn vỏ bên ngoài. Tiếp đó là trứng gà rán, bún lá cũng xắt thành từng miếng nhỏ, vừa ăn. Vì là món cuốn nên cũng đủ vị rau thơm. Món cuốn hành - Người Tiền Hải vẫn dùng đãi khách hay trong mâm cơm sum họp bên gia đình, bạn bè. Một món ăn ngon hấp dẫn từ thị giác đến vị giác, được đánh thức từ các nguyên liệu được người dân khéo léo kết hợp với nhau, đó cũng là nét tinh tế trong ẩm thực của người Tiền Hải.
2. Bánh nghệ khu Nam
Nhắc đến đặc sản của huyện Tiền Hải thì người ta sẽ không thể nào bỏ qua được cái tên bánh Nghệ. Và chỉ có ở khu nam huyện Tiền Hải thì chúng ta mới có thể tìm thấy được loại bánh đặc biệt này. Thứ quà quê dân dã khiến ai đã từng một lần thưởng thức sẽ nhớ mãi.
Bánh nghệ là món ăn được bán nhiều nhất ở chợ Nam Thanh và chợ Nam Trung, huyện Tiền Hải. Dù nguyên liệu dễ chế biến món bán này rất đơn giản bằng gạo tẻ, thịt lợn, hành, hạt tiêu và củ nghệ nhưng không mấy ai tự làm được. Mà chỉ có đến các phiên chợ quê mới mua được. Vì thế mà không như các thức quà khác, bánh nghệ vẫn giữ cho mình một chỗ đứng riêng tại các phiên chợ quê để ai đến, đi vẫn muốn một lần muốn được trở lại. Làm bánh nghệ phải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm bánh ngoài đức tính cần cù, chịu khó, phải luôn có sự sáng tạo, chú tâm vào công việc. Để tạo nên vị ngon của chiếc bánh đó chính là cách chế biến kỹ càng từ khâu làm bột bánh.Khi chín, bánh nghệ có hình dáng, màu sắc giống như kén tơ tằm vàng óng. Thưởng thức bánh nghệ ngon nhất là khi còn nóng bởi lúc này bánh vẫn còn độ mềm và giữ được độ thơm của nghệ, ăn lại không bị ngán. Người dân Tiền Hải truyền tai, ăn bánh nghệ kích thích tiêu hóa, nhờ có tinh chất của của nghệ còn giúp làm đẹp da và tốt cho phụ nữ sau sinh. Bánh nghệ có giá cả phải chăng, là tuổi thơ của biết bao thế hệ người Tiền Hải.
Không như các thức quà khác, bánh nghệ vẫn giữ nguyên cho mình một chỗ đứng tại các phiên chợ quê. Đặc biệt là vẫn giữ được nét đẹp hương vị thơm ngon của của người Thái Bình. Tìm về bánh nghệ chính là tìm về nguồn cội, tìm về sự ấm áp, yêu thương, về ký ức tuổi thơ êm đềm trong tình yêu thương vô bờ bến của bà, của mẹ của hương đồng, gió nội, nơi góc chợ quê yên ả, thanh bình.
3. Chả kẹp chì Tây Sơn
Từ xa xưa, giò, chả đã được coi là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm của mỗi gia đình dịp lễ, tết. Nhờ được kế thừa cách thức làm món ăn này, nhiều năm qua, Tây Sơn được biết đến là xã có truyền thống làm giò, chả thơm ngon nức tiếng của huyện Tiền Hải, được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến.
Giò, chả được coi là nghề truyền thống của người dân Tây Sơn (nay là thị trấn Tiền Hải). Trên địa bàn hiện có hàng chục cơ sở sản xuất giò, chả, quầy hàng buôn bán ngoài chợ. Mỗi năm, các cơ sở chế biến giò, chả thu về hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng từ đó nâng cao thu nhập cho bà con.
Công đoạn quan trọng nhất trong chế biến giò, chả là chọn thịt. Lợn làm giò phải là lợn khỏe, thịt nạc thăn hoặc nạc mông, lọc sạch gân, mỡ, thái mỏng rồi cho vào xay. Thịt ngon phải là thịt tươi, sờ tay vào còn dính, khi thái các miếng thịt cuốn theo dao của người thái. Khi nướng chả phải nướng tầm 90 phút làm sao cho chả săn chắc, lá, giấy báo bọc phải nứt ra thì mới bảo đảm yêu cầu
Khi thưởng thức miếng chả kẹp chì cảm giác vị ngon ngọt, ngầy ngậy của thịt hòa trong vị đậm đà vừa phải của nước mắm, mùi thơm của lá chuối, lá sắn thuyền, hạt tiêu…, tất cả tạo nên sự hấp dẫn riêng cuốn hút người thưởng thức. Cái đặc biệt của món chả này là phải có lá sắn thuyền, đó là đặc trưng khác biệt so với các loại chả khác. Hương vị của lá sắn thuyền làm cho chả kẹp chì có mùi thơm hấp dẫn, đậm đà, khiến thực khách thưởng thức một lần là nhớ mãi.
Ngày xưa, đình đám, giỗ chạp người ta mới dùng đến chả kẹp chì. Giết lợn xong, lựa lấy miếng thịt ngon nhất đem giã giò. Chả kẹp chì là món ăn quý phái trong giới bình dân, năm thì mười họa mới có. Ngày nay, mặc dù đời sống sung túc, đầy đủ hơn, chả được người ta dùng làm món ăn hàng ngày, tuy nhiên, mỗi khi tết đến xuân về, bên cạnh những món gà luộc, miến nấu lòng mề, đĩa nem rán, thịt kho thì đĩa chả được xắt miếng thơm ngon, xếp cùng dưa được coi là món ăn tuyệt ngon đãi khách ngày tết.