1. Thành lập huyện Tiền Hải

Vào tháng 3 năm 1828, để tiến hành khẩn hoang bãi biển Tiền Châu, Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã tổ chức các lực lượng tham gia thành các lý, ấp, trại, giáp. Đứng đầu các đơn vị này là lý trưởng, ấp trưởng, trại trưởng, giáp trưởng. Theo quy định " Chức lý trưởng dành cho người nào mộ được 50 đinh, tổ chức khẩn hoang được 600 mẫu. Chức ấp trưởng dành cho người nào mộ được 30 đinh, tổ chức khẩn hoang được 400 mẫu. Chức trại trưởng dành cho những người mộ được 15 đinh, khẩn được 200 mẫu. Chức giáp trưởng dành cho người nào mộ được 10 đinh trở lên, khẩn được 120 mẫu". Bộ máy tổ chức hành chính sơ khai trên đây đã quản lý và điều hành công cuộc khẩn hoang và từng bước ổn định cuộc sống, xây dựng làng xóm của người dân trên vùng đất này. Khi công cuộc khẩn hoang đã cơ bản hoàn thành, hệ thống tổ chức trên đã khá hoàn chính và được tổ chức chặt chẽ, gồm: 14 lý, 27 ấp, 20 trại, 10 giáp; Tổng số dân đinh là 2.350 người; Ruộng đất khẩn được 18.950 mẫu. Trên cơ sở các đơn vị này, Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ  đã làm sớ tâu xin triều đình thành lập huyện, lấy tên là huyện Tiền Hải. Vào tháng 9 năm 1828 (Minh Mệnh thứ 9), triều đình đã ân chuẩn thành lập huyện Tiền Hải. Sách Đại Nam thực lục chính biên có ghi về sự kiện này như sau: "Một dải Tiền Châu liên tiếp bãi biển trước kia cây cỏ rậm rạp, bọn cướp hay tụ họp ở đấy, không ai dám đến gần... Lãnh Dinh diền sứ Nguyễn Công Trứ đến nơi chiêu tập phủ dụ, lòng người mới yên. Bèn đem đất Tiền Châu cùng đất đối ngạn bên tả bên hữu đo đạc đất hoang chia cho dân nghèo thanh 14 lý, 27 ấp, 20 trại, 10 giáp. Số đinh được hơn 2.350 người, số ruộng được hơn 18.970 mẫu... Nhân thế đất liên lạc mà chia làm 7 tổng, tâu xin đặt một huyện, gọi là huyện Tiền Hải". Khi mới thành lập, huyện Tiền Hải thuộc quyền quản lý trấn Nam Định (được đổi từ trấn Sơn Nam Hạ).

Bảy tổng của huyện Tiền Hải lúc mới lập là: Tân Bồi nằm ở phía Bắc sông Trà Lý, giáp tổng Trừng Hoài huyện Thanh Quan phủ Tiên Hưng; Tổng Tân Định nằm ở phía Tây sông Long Hầu, giáp tổng Đại Hoàng huyện Chân Định phủ Kiến Xương, Tổng Tân Hưng, Tân Thành, Tân phong nằm ở phía Đông sông Long Hầu, giáp biển; Tổng Tân An ở phía Bắc sông Lân; Tổng Tân Cơ phía Nam sông Lân, giáp tổng Hà Cát, huyện Giao Thủy phủ Kiến Xương. " Đứng đầu tổng có cai tổng, dưới tổng là lý, ấp, trại, giáp... Lý trưởng được cấp văn bằng và được giao mộc triện... Mọi công việc trong lý, ấp, trại, giáp, lý trưởng là người chịu trách nhiệm, từ việc binh lương, thuế khóa, thu phen, tạp dịch đến an ninh, xử những vụ kiện cáo vặt. Lý trưởng có hương trưởng, trương tuần và dịch mục giúp việc". Phần lớn những cai tổng đầu tiên ở Tiền Hải đều là những lý trưởng hạng ưu kiêm nhiệm. Ở trên vùng đất mới, chức năng của các lý, ấp, trại, giáp được thể hiện rõ trên một số lĩnh vực sau:

Về kinh tế: lý, ấp, trại, giáp trực tiếp đứng ra phân phối ruộng đất cho dân đinh theo nguyên tắc  ruộng đất của lý, ấp, trại, giáp nào thì dân ở đó được sử dụng. Trong cùng một đơn vị, mọi người đều được nhập khẩu phần bằng nhau (kể cả thổ cư, thổ ương và ruộng)... Bên cạnh việc quản lý và phân phối ruộng đất, các lý, ấp, trại, giáp còn phải tiến hành đắp đê, xây dựng hệ thống thủy nông, những con đê biển và đê thuộc sông Trà, sông Lân, sông Cá... cũng như các cống dưới đê đòi hỏi các lý, ấp, trại, giáp phải hợp sức để đào đắp, giữ gìn. Nhiều lý, ấp, trại, giáp đã đắp hàng ngàn mét đê, nhiều chỗ đắp 2-3 vòng rất vất vả.

Về an ninh, xã hội: Ngay từ khi mới thành lập, để hạn chế việc tranh chấp đất đai các lý, ấp, trại, giáp đều lập ranh giới rõ ràng, mà phổ biến là lấy sông đào, đường hoặc dựng cột mốc hay trồng cây làm ranh giới. Khi bố trí chỗ ở, các lý, ấp, trại, giáp đều chú ý tới nguyện vọng của người khẩn hoang; người cùng họ, cùng làng cũ được ở gần nhau. Mối quan hệ với quê gốc được giữ vững. Đất giành cho việc xây dựng các công trình công cộng như: đình, chùa, trường học (thục xá), kho (xã thương),nghĩa địa, bãi thả trâu... theo như quy định của nhà nước đều được các lý, ấp, trại, giáp tuân thủ".

Sau khi có quyết định thành lập huyện Tiền Hải, triều đình đã bổ nhiệm tri huyện Quỳnh Lưu là Vũ Danh Dương người Trấn Sơn Nam làm tri huyện Tiền Hải. Do Tiền Hải là huyện miền biển, thường xuyên bị thiên tai bão gió và bị bọn cướp biển hoành hành, vì vậy triều đình " tạm phái 5 người trấn lại, 20 lính lệ theo để tri huyện sai phái, hạn trong một năm mộ lại, lệ đủ ngạch. Đồng thời triều đình cũng cho đặt ở Tiền Hải một đồn, do thành thần phái quản cơ hay phó quản cơ đem theo 100 lính đóng giữ điạ hạt để tuần phòng".

Huyện lỵ Tiền Hải đầu tiên đặt ở ấp Phong Lai, tổng Tân Thành. Nha thự lúc đầu mới chỉ là những ngôi nhà lá đơn sơ. Khu nha thự xưa, nay là khu vực đất chùa Phong Lai thuộc xã Đông Phong. Hiện ở đây có một khu đất rộng 2 mẫu được gọi là "đất phủ ". Vết tích của " công dường huyện" là một đoạn "đường phía Tây" nằm ở sau chùa, bề dày hiện còn trên nửa mét. Vị trí cột cờ cổng huyện đường nằm ở phía trước chùa, được gọi là " khu ruộng cột cờ". Vào năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), huyện lỵ được chuyển về ấp Ngoại Hoàng thuộc tổng Tân Định (nay là xã Tây Sơn, huyện Tiền Hải). Khi chuyển về đây, nha thự cũng làm tạm bằng nhà lá. Đến năm Thành Thái thứ 9 (1897), công sứ tỉnh Thái Bình là Đavit cấp tiền cho xây dựng một tòa nhà kiểu Tây. Theo sách Đồng Khánh ngự lãm địa dư chí lược, huyện lỵ Tiền Hải được mô tả như sau: " xung quanh huyện lỵ được rào bằng tre, dài 12 trượng 5 thước, rộng 10 trượng 5 thước, không có hào. Từ cửa huyện đến bờ sông Côn (sông Trà Lý) cách chừng 800 trượng. Từ phía Bắc huyện lỵ đến bờ sông Lân dài chừng 100 trượng. Từ phía Nam huyện lỵ đến bờ sông Long Hầu cách chừng 150 trượng. Địa hạt bản huyện, phía Tây giáp huyện Chân Định, phía Đông giáp biển, phía Nam giáp huyện Giao Thủy, phía Bắc giáp huyện Thanh Quan".

Sau cuộc cải cách hành chính mạnh mẽ dưới thời Minh Mệnh vào những năm 1831 - 1832, triều đình nhà Nguyễn đã bãi bỏ đơn vị hành chính Bắc Thành và Gia Định Thành, đổi trấn làm tỉnh, chia cả nước làm 31 đơn vị hành chính trực thuộc triều đình Trung ương; trấn Nam Định được đổi thành tỉnh Nam Định. Tỉnh Nam Định có 4 phủ, 4 phân phủ, 18 huyện. Thời gian này, huyện Tiền Hải do huyện Chân Định thuộc tỉnh Nam Định kiêm nhiếp.

Vào năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), huyện Tiền Hải thuộc phân phủ Kiến Xương tỉnh Nam Định quản lý. Vào năm Tự Đức thứ 4, nhà Nguyễn bỏ các phân phủ Thiên Trường và Kiến Xương, lại giảm bớt 4 viên huyện; huyện Tiền Hải do huyện Chân Định tỉnh Nam Định kiêm nhiếp. Vào thời điểm này, huyện Tiền Hải vẫn gồm 7 tổng, 47 ấp, lý, trại, giáp.

Sau khi tỉnh Thái Bình được thành lập vào ngày 21-3-1890, huyện Tiền Hải thuộc phủ Kiến Xương tỉnh Thái Bình, gồm 8 tổng, 79 xã.

Vào năm Thành Thái thứ 3 (1891), tổng Đông Thành (là đất cũ của tổng Hà Cát, huyện Giao Thủy, phủ Xuân Trường) và tổng Đại Hoàng thuộc huyện Trực Định (tên cũ là Chân Định) phủ Kiến Xương được chuyển nhập về huyện Tiền Hải. Như vậy, ở thời điểm này, huyện Tiền Hải có 9 tổng là : Tân Định, Tân Ân, Tân Cơ, Tân Hưng, Tân Thành, Tân Bồi, Tân Phong, Đại Hoàng và Đông Thành với 61 làng, tổng số đinh là 2.592 người (trong đó số đinh loại một là 2.073 người; số đinh loại hai là 519 người); diện tích đất cày cấy là 25.778 mẫu.

Đến năm Thành Thái thứ 6 (1894), tách tổng Tân Bồi gồm 9 xóm, trại, ấp, giáp của huyện Tiền Hải nhập về huyện Thái Ninh (nay là huyện Thái Thụy). Huyện Tiền Hải chỉ còn 8 tổng, 71 xã, thôn, ấp, trại, lý, phường. Dân đinh có 9.945 người; trong đó; đinh loại một là 3.035 người, đinh loại hai là 6.585 người, đinh loại miễn lao dịch là 325 người. Ruộng đất có 3 vạn 534 mẫu, trong đó ruộng có 19.508 mẫu, đất có 11.026 mẫu.

Các tổng của huyện Tiền Hải vào năm 1894 gồm có:

1. Tổng Tân Phong: Lương Điền, Thanh Giám, Văn Hải, Cam Lai, Đức Cơ, Trinh Cát.

2. Tổng Tân Cơ: Thủ Chính, Hướng Tân, Dưỡng Trực, Đông Quách, Hữu Vi,  Năng Tĩnh, Trung Lập, Sơn Tĩnh.

3. Tổng Tân Định: Ngoại Đê, Đại Hữu, Lạc Thành, Hải Nhuận, Vĩnh Ninh, Nhuận Ốc.

4. Tổng Đại Hoàng: An Khang, Đại Hoàng, Lương Phú, Trà Lý, Trà Lý phường, Tiểu Hoàng, La Cao, Thanh Đồng.

5. Tổng Tân An: Diêm Trì, Lũ Phong, Đông Cao, Nho Lâm, Quân Trạch, Quân Trạch, Lưu Phương, Nguyệt Lũ.

6. Tổng Tân Hưng: Kinh Xuyên, Quý Đức, Định Cư, Phụ Thành, An Cư, Phụ Quách.

7. Tổng Tân Thành: Phong Lai, Phong Lạc, Chí Trung, Lạc Thiện, Vũ Hà, Mỹ Đức, Bạch Long, Đăng Hoàng.

8. Tổng Đông Thành: Vĩnh Trung, Trung Làng, Thanh Châu, Châu Nhai, Doãn Hương, Phương Viên, Thục Thiện, An Tứ Thượng, An Tứ Hạ, Đông Hòa Nội, Đông Phú, Doãn Đông, Lộc Trung, Tả Thiện Thành, Thiện Tường, Đông Thành, Nam Đồng, Mộ Làng, Thượng Đồng, Đại Đồng.

Như vậy, sau 73 năm thành lập, Tiền Hải có 69 làng; Trong đó, số làng thuộc 2 tổng mới được sát nhập từ tỉnh Nam Định sang là 28 làng (40% tổng số toàn huyện).

Vào nửa cuối thế kỷ XIX, tổ chức hành chính ở huyện Tiền Hải ngày càng được tổ chức chặt chẽ , quy củ và khoa học để tiếp tục công việc củng cố hệ thống chính quyền quản lý để nhân dân ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất. " Đơn vị cấp trung gian (tổng) được củng cố, đơn vị cấp cơ sở (lý, ấp, trại, giáp) được chia nhỏ, bộ máy quản lý được mở rộng". Tiền Hải là vùng đất mới hình thành từ công cuộc lấn biển, lại ở vùng trọng yếu của biên giới trên biển, vì vậy, ngoài những nét chung về quản lý hành chính như các địa phương khác trong cả nước sau cuộc cải cách hành chính của Minh Mạng khởi xướng từ năm 1831 - 1832, huyện Tiền Hải còn được triều đình đình cho hưởng những quy định riêng. " Ở ven biển, những đơn vị hành chính tương đương với xã như giáp, trại (nơi mới lấn biển), vạn phường (nơi cư dân chuyên nghề đánh bắt thủy sản, làm muối) được hình thành bên cạnh đơn vị lý, ấp, xã. Đây không phải là sự tùy tiện trong tổ chức quản lý của nhà Nguyễn. Nằm trong phương án tổ chức phòng thủ và bảo vệ bờ biển nước ta, triều đình nhà Nguyễn đã tổ chức một hệ thống đồn trại canh giữ bờ biển. Ở Tiền Hải, có 3 cửa biển trọng yếu là cửa Trà Lý, cửa Ba Lạt, cửa Lân; bãi bồi rộng, có một cửa quan và hai tấn sở quan trọng, tàu bè buôn bán ra vào thường xuyên. Sách Đại Nam nhất thống chí có chép về các tấn sở ở Tiền Hải như sau:

- Tấn Ba Lạt: cửa Ba Lạt ở địa phận xã Yên Bồi, huyện Giao Thủy, rộng 146 trượng, thủy triều lên sâu 6 thước 5 tấc, thủy triều xuống sâu 2 thước 2 tấc. Bảo lợp ngói, có 50 lính canh giữ.

- Tấn Trà Lý: cửa Trà Lý ở địa phận xã Trà Lý, huyện Chân Định, rộng 38 trượng, thủy triều lên sâu trên 5 thước, thủy triều xuống sâu một thước năm tấc, cửa biển nông và hẹp, do dân sở tại canh giữ.

Dưới thời Tự Đức, cửa Trà Lý trở thành cửa biển quan trọng không kém cửa Ninh Hải, thuyền buôn của người phương Tây và của người Trung Quốc chở gạo thường ra vào ở đây. Do ở cách xa tỉnh thành, kẻ buôn gian bán lận dễ ra vào vùng này. Vì vậy, triều đình đã cho đặt đồn ở cửa Trà Lý, " phái nhiều quan nhân làm việc thu thuế". Trước đây, ở đôn Trà Lý chỉ có quan võ phụ trách, nhưng từ năm Tự Đức thứ 32 (1879), theo lời tâu của quan tổng đốc Nguyễn Trọng Hợp, triều đình đã đặt thêm một viên quan thương biện ở đồn này để cùng lo việc thu thuế với các lãnh binh.

Là một huyện ven biển có vị trí chính trị, kinh tế, quân sự quan trọng, với một hệ thống đồn bảo, tấn sở lớn nên những viên tri huyện Tiền Hải đều là những người được triều đình cân nhắc, tuyển lựa kỹ càng. Ngoài tiêu chuẩn cần có theo quy định cho ngạch quan này của triều đình, những viên tri huyện ấy còn phải "hợp với người và đất"  ở vùng này thì mới được cắt cử. Ngay cả đội ngũ quan lại cấp cơ sở cũng là những người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao. Chỉ những lý trưởng "hạng ưu" mới được cử làm phó tổng, chánh tổng. Vào những năm 70 của thế kỷ XIX, bộ máy quản lý cấp huyện ở Tiền Hải đã được tăng cường thêm một số viên quan chuyên lo về khẩn hoang và quân sự như: huyện đoàn, mộ khẩn suất đội. Ngoài ra, ở Tiền Hải còn thấy xuất hiện chức Tổng đoàn . "Tổng đoàn là chức quản lý dân binh cấp tổng không thuộc hàng quan chế của triều Nguyễn. Nhiệm vụ của Tổng đoàn là tổ chức, huấn luyện dân binh trong tổng. Khi nhà nước cần trưng dụng dân binh thì Tổng đoàn phải đốc thúc cho đủ con số. Tổng đoàn không chỉ chịu sự sai phái của Huyện đoàn mà còn chịu sự sai phái của cấp cao hơn. Chức Tổng đoàn thường do Cai tổng đảm nhiệm... Dưới Tổng đoàn có các xã đoàn. Chức xã đoàn do lý trưởng đảm nhiệm. Mỗi lý, ấp, trại, giáp, lập một xã đoàn riêng."

Trước những hoạt động xâm lược ngày càng ráo riết của thực dân Pháp và hoạt động buôn bán của các thuyền buôn người phương Tây và người Trung Quốc trên vùng biển Tiền Hải ngày càng nhiều, triều đình nhà Nguyễn đã tăng cường lực lượng cho công tác bảo vệ chủ quyền an ninh và biên giới, vùng biển ở đây. Hệ thống đồn bảo, tấn sở được củng cố, bổ sung lực lượng tuần tra, trấn giữ biên giới, ven biển, hải đảo, ngoài quân lính chính quy thường trực của triều đình và địa phương, nhà Nguyễn còn sử dụng dân binh, thổ binh để trấn giữ biên phòng. Tiền Hải là huyện ven biển, lại nằm ở nơi được xem là " xung yếu", vì vậy, việc canh giữ các cửa quan tấn sở, đồn bảo, cửa biển cũng như việc tuần tra, canh phòng càng được chính quyền coi trọng. Và đây cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy việc củng cố và phát triển lực lượng dân binh ở Tiền Hải nửa cuối thế kỷ XIX. Cùng với nó là sự chú ý củng cố hệ thống chính quyền ở cấp cơ sở. Cấp hành chính cơ sở của Tiền Hải có sự phân chia thành các giáp nhỏ theo địa vực cư trú và theo tôn giáo. Đã hình thành hai hình thức giáp: giáp giáo (giáp của những người theo đạo Thiên chúa) và giáp lương (giáp của những người không theo đạo Thiên chúa). Lý có bề ngang 10 đạc (600m) thường được phân chia thành 5 giáp, mỗi giáp 2 đạc (120); ấp, trại được chia làm 3 hay 4 giáp... Người đứng đầu giáp là giáp trưởng. Giáp trưởng đứng dưới hương mục, có nhiệm vụ chia ruộng đất công cho dân đinh của giáp, đốc thúc tuần phiên, thu tô thuế, lo hiếu hỷ và các công việc tôn giáo (tế lễ, hội hè), bảo quản, sửa chữa đường dong dân cư.

Nếu như ở thời kỳ đầu chỉ những lý có trên 50 đinh mới có thêm viên phó lý thì đến cuối thế kỷ XIX, tất cả các đơn vị hành chính cơ sở ở Tiền Hải đều có phó lý giúp việc cho lý trưởng. Phó lý cũng được cắt cử giống như lý trưởng. Phó lý trực tiếp phụ trách công việc bảo vệ trật tự trị an của làng. Nằm dưới sự chỉ đạo của phó lý là viên trương tuần, có nhiệm vụ bảo vệ " nội hương ấp, ngoại đồng điền" và các hương mục, hương trưởng, phụ trách các công việc về ruộng đất, sổ sách của đơn vị, Sau cùng là các giáp trưởng, thủ cống và tuần đinh. Như vậy có thể thấy, đến cuối thế kỷ XIX, bộ máy hành chính cấp cơ sở ở Tiền Hải đã được mở rộng về thành phần và số lượng.

Khác với thời kỳ đầu, ngoài tổ chức hành chính nhà nước, cuối thế kỷ XIX, trong các lý, ấp, trại, giáp ở Tiền Hải còn có thêm tổ chức có tính chất tự quản, đó là những kỳ mục tham gia vào việc điều hành công việc chung của lý, ấp, trại, giáp, gọi là Hội đồng kỳ mục, nhưng không thuộc sự quản lý của nhà nước. Trên danh nghĩa, Hội đồng kỳ mục do dân làng cử ra,, thường gồm những người vừa có thế lực về kinh tế, lại vừa có chức vụ phẩm hàm. Hội đồng này tổ chức thực hiện việc quản lý làng xã, vừa theo " lệ làng", vừa hợp " phép vua". Đứng đầu Hội đồng kỳ mục là tiên chỉ- người có phẩm tước cao nhất trong làng, có tuổi cao nhất trong các hưu quan, chức sắc, khoa mục. Giúp việc cho tiên chỉ là thứ chỉ. Trong Hội đồng kỳ mục còn có các hương lão, hưu quan, các chức sắc, các cựu chánh, phó tổng hay chánh tổng đương chức, các cựu lý trưởng, phó lý hoặc chánh tổng đương chức, các cựu lý trưởng, phó lý hoặc chánh phó tổng mua, xã nhiêu mua, các bậc khoa mục đỗ đạt. Đến năm 1938, Hội đồng kỳ mục được thay bằng Hội đồng tộc biểu di viên Chánh hộ đứng đầu. Việc điều hành công việc trong xã do viên lý trưởng đứng đầu, giúp việc cho lý trưởng có: phó lý, trưởng bạ, thư ký, thủ quỹ, hương mục, quản đê, thủ cống, thủ từ, cai đinh, cai đám, trương tuần... Qua đó có thể thấy ngay được là từ hình thức tổ chức đến nội dung hoạt động của bộ máy quản lý cấp cơ sở ở Tiền Hải cuối thế kỷ XIX, không nằm ngoài mô hình tổ chức quản lý của làng nông nghiệp truyền thống (làng Việt) vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ở những làng xã có dân theo đạo Thiên chúa, đã hình thành bộ phận quản lý tôn giáo, đó là các ban hành giáo họ đạo.

Như vậy, đến cuối thế kỷ XIX, bộ máy quản lý huyện Tiền Hải đã được mở rộng và thay đổi theo xu hướng ngày càng chặt chẽ hơn so với thời kỳ đầu.

Bước sang thế kỳ XX, vào năm 1901, huyện Tiền Hải có 8 tổng, 69 làng, gồm:

1. Tân Phong: Lương Điền, Thanh Giám, Văn Hải, Cam Lai, Đức Cơ, Trinh Cát.

2. Tân Cơ: Thủ Chính, Hướng Tân, Dưỡng Trực, Đông Quách, Hữu Vi, Năng Tĩnh, Trung Lập, Sơn Tinh.

3. Tân Định: Ngoại Đê, Đại Hữu, Lạc Thành, Hải Nhuận, Vĩnh Ninh, Nhuận Ốc.

4. Đại Hoàng: An Khang, Đại Hoàng, Lương Phú, Trà Lý, Trà Lý Phường, Tiểu Hoàng, La Cao, Thanh Đồng.

5. Tân An: Diêm Trì, Lũ Phong, Đông Cao, Nho Lâm, Quân Trạch, Lưu Phương, Nguyệt Lũ.

6. Tân Hưng: Kinh Xuyên, Quý Đức, Định Cư, Phụ Thành, An Cư, Phụ Quách.

7. Tân Thành: Phong Lai, Phong Lạc, Chí Trung, Lạc Thiện, Vũ Hà, Mỹ Đức, Bạch Long, Đăng Hoàng.

8. Đông Thành: Vĩnh Trung, Trung Thành, Thanh Châu, Châu Nhai, Doãn Hương, Phương Viên, Thục Thiện, An Tứ Thượng, An Tứ Hạ, Đông Hào Nội, Đông Phú, Doãn Đông, Lộc Trung, Tả Thiện Thành, Thiện Tường, Đông Thành, Nam Đồng, Mộ Làng, Thượng Đồng, Đại Đồng.

Năm 1928, sau 100 năm thành lập, về tổ chức hành chính Tiền Hải có 8 tổng, 79 làng, gồm:

1. Đông Thành: An Tứ Hạ, An Tứ Thượng, Bát  Cấp, Châu Nhai, Doãn Đông, Doãn Thượng, Đại Đồng, Đông Hào, Đông Phú, Đông Thành, Đồng Lạc, Hợp Châu, Hợp Phú, Lộc Trung, Nam Đồng, Nội Lang, Phương Viên, Thanh Châu, Thiện Thành, Thiện Tường, Thục Thiện, Trung Đồng, Trung Lang, Trung Thành, Vĩnh Trung.

2. Đại Hoàng: An Khang, Đại Hoàng, Hoàng Môn, La Cao, Lương Phú, Tam Đồng, Tiểu Hoàng, Trà Lý, Trà Lý Phường.

3. Tân An: Diêm Trì, Đông Cao, Lũ Phong, Lưu Phương, Nguyệt Lũ, Nho Lâm, Quân Trạch.

4. Tân Cơ: Rưỡng Trực, Đông Quách, Hướng Tân, Hữu Vi, Năng Tĩnh, Sơn Tinh, Thủ Chính, Trung Lập.

5. Tân Định: Đại Hữu, Hải Nhuận, Lạc Thành, Ngoại Đê, Ốc Nhuận, Vĩnh Ninh.

6. Tân Hưng: An Cư, Định Cư, Hưng Thạnh, Kinh Xuyên, Phụ Thành, Quý Đức.

7. Tân Phong: Cam Lai, Đồng Châu, Đức Cơ, Lương Điền, Ngải Châu, Thanh Giám, Trinh Cát, Văn Hải.

8. Tân Thành: Bạch Long, Chỉ Trung, Đông Hoàng, Lạc Thiện, Mỹ Đức, Phong Lạc, Phong Lai, Tân Lạc, Vũ Xá.

2. Sự thay đổi hành chính ở Tiền Hải từ năm 1945 đến năm 1975

Sau khi Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Ngày 1-4-1946, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa I họp phiên đầu tiên đã ra nghị quyết về hành chính, bỏ đơn vị tổng, đổi phủ thành huyện. Theo đó tỉnh Thái Bình có 12 huyện, trong đó có huyện Tiền Hải trực thuộc tỉnh. Huyện Tiền Hải lúc này có 11 xã là: Hữu Nam, Hưng Đạo, Ngọc Thụ, Phùng Hưng, Ái Quốc, Công Trứ, Đông Hà, Ngô Quyền, Nam Hải, Đông Hải, Văn Tố. Các đơn vị hành chính này vẫn giữ nguyên trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1946 - 1954.

Thời kỳ từ năm 1946 - 1954, huyện Tiền Hải là một trong 12 huyện của tỉnh Thái Bình. Do Thái Bình nằm trong vùng Pháp chiếm đóng, vì vậy, người Pháp đã tiến hành tổ chức cai trị ở đây theo mô hình của họ. Ngày 20 -5 - 1950, Thủ hiến Bắc Việt ban hành Nghị định số 2142/THP - NĐ thành lập lại tỉnh Thái Bình một quận hành chính lấy tên là quận Tiền Hải, tạm xếp vào quận hạng nhì, gồm có một số làng thuộc huyện Tiền Hải cũ.

Sau khi hòa bình được lập lại, tháng 1-1955, trong niềm vui giải phóng, xây dựng quê hương mới, Ủy ban kháng chiến hành chính Tiền Hải quyết định đặt tên mới cho những làng xã trong huyện. Trên cơ sở phân chia huyện thành 3 khu vực: Đông, Tây, Nam, xã nào thuộc các khu vực nói trên đều lấy một trong ba chữ chỉ khu vực làm chữ đầu của tên xã mới. Lúc đó, toàn huyện có 30 xã, cụ thể như sau:

* Khu Đông (10 xã):

- Đông Hải,: Quý Đức (Tây), Trà Lý, Hải Nhuận, Nhuận Ốc.

- Đông Trà: Định Cư, Phụ Thành.

- Đông Xuyên: Kinh Xuyên, Hưng Thịnh, Hưng Long, Quý Đức (Tây), An Cư (Đông), Phụ Quách (Đông).

- Đông Hoàng: Chỉ Trung (Đông),Bạch Long, Đại Hoàng, Tân Lạc, Vũ Xá (Đông), Mỹ Đức (Đông).

- Đông Minh: Minh Châu, Ngải Châu, Đồng Châu (ngoại), Đồng Châu (nội), Trại Lương Văn.

- Đông Trung: An Cư (Tây), Phụ Quách (Tây), Chỉ Trung (Tây), Mỹ Đức (Trung và Tây).

- Đông Phong: Phong Lai, Phong Lạc, Lạc Thiện, Vũ Xá.

- Đông Lương: Văn Hải, Lương Điền.

- Đông Lâm: Thanh Giám, Nho Lâm, Hoàng Môn, Trại Tiểu Hoàng.

- Đông Cơ: Trịnh Cát, Đức Cơ, Cam Lai.

* Khu Nam (12 xã):

- Nam Kiên: Bát Cấp, An Phúc, Sơn Trung (xóm Trung Hà).

- Nam Hải: Nội Lang, Trung Lang, An Thiện, An Lễ.

- Nam Hà: Vĩnh Trung, Đông Hào, Hướng Tân.

- Nam Lâm: Hữu Vi, Đông Quách.

- Nam Chính: Thủ Chính, Năng Tĩnh.

- Nam Hồng: Viên Ngoại, Phương Viên, Viên Nội, Xóm Đông An, Xóm Quả Viên.

- Nam Dũng: Đông Phú (Lâm Lu), Đại Hồng, Doãn Thượng (Phú Lâm), Tam Bảo, Đông Biên, xóm Bồng He (Đông Hải).

- Nam Trung: Xóm Thanh Châu, Trung Đồng, xóm Hợp Đồng, xóm Cồn Mèn (Đông Phú).

- Nam Thanh: Thanh Châu, Châu Nhai.

- Nam Thành: Rưỡng Trực, Nam Đồng, Ngoại Cồn (Đông Phú).

- Nam Hưng: Thiện Tường, Đông Lạc, Hợp Châu, xóm Trung Đồng.

- Nam Hoàng: Tân Trào, Lộc Trung, Hưng Hải, Trại Nam Đồng, Trại Quý Lâm.

* Khu Tây (8 xã):

- Tây Lương: Lương Phú, Tam Đồng, xóm Trung Đồng, xóm Nhượng Bạn, xóm Hoàng Khê.

- Tây Đô: Đại Hoàng, Đại Hữu, Vĩnh Ninh, Lạc Thành.

- Tây Ninh.

- Tây An: An Khang, La Cao (xóm Hai).

- Tây Sơn: Tiểu Hoàng, La Cao (xóm Một), Ngoại Đê.

- Tây Giang: Thư Điền, Trại Trình Phố.

- Tây Phong: Diêm Từ, Lũ Phong, Lưu Phương, Quân Tranh, La Cao (xóm Ba Trại Phương Tranh).

- Tây Tiến: Đông Cao, Nguyệt Lũ.

Ngày 2-12-1955, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 625/TTg sửa đổi địa giới giữa các huyện ở tỉnh Thái Bình, trong đó có huyện Tiền Hải. Cụ thể, tách xóm Rũ Tiên của Hữu Ban (huyện Tiền Hải) sáp nhập vào huyện Thái Ninh, cùng với hai thông Nam và thôn Đoài của xã Thần Huống cũ (huyện Thái Ninh) lập thành xã Thái Thịnh. Năm 1955, thực hiện sự điều chỉnh địa giới hành chính của tỉnh Thái Bình, huyện Tiền Hải phân chia thành 26 xã mới.

Năm 1960, mặc dù Thái Bình tiến hành sáp nhập 12 huyện thành 7 huyện và 1 thị xã (huyện Đông Quan và Tiên Hưng hợp thành huyện Đông Hưng;huyện Hưng Nhân và Duyên Hà hợp thành huyện Hưng Hà; huyện Quỳnh Côi và Phụ Dực hợp thành huyện Quỳnh Phụ; huyện Vũ Tiên và Thư Trì hợp thành huyện Vũ Thư), huyện Tiền Hải và huyện Kiến Xương vẫn được giữ yên như cũ. Thời gian này, huyện Tiền Hải có 32 xã.

Ngày 10-9-1969, thực hiện Quyết định số 428/NV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ cắt 5 xã: Bắc Hải, Phương Công, Vân Trường, Vũ Lăng, An Ninh với các thôn Trình Phố (xã An Ninh), Vũ Lăng (xã Vũ Lăng), Công Bồi, Phương Trạch (xã Phương Công), làng Quân Bắc, Bắc Trạch, Nam Trạch (xã Vân Trường), làng An Nhân, Tân Phú, An Tứ Hạ, An Tứ Thượng (xã Bắc Hải) thuộc huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình đưa sang huyện Tiền Hải.

Từ đây, suốt một dải các làng xã giáp ranh giữa Tiền Hải với Kiến Xương từ phía Nam giáp sông Hồng đến phía Bắc giáp sông Trà Lý được sáp nhập vào Tiền Hải. Phần đất Tiền Hải được mở rộng về phía Tây. Trong lịch sử, những làng được nhập về lần này cũng đều là những làng hình thành từ quá trình khẩn hoang tự phát do dân cư các đia phương và dân sở tại phát triển từ trước năm 1828 khá lâu. Đối với các huyện gốc, các làng này là "làng tân", "làng ven biển", song với Tiền Hải, họ đã được xếp là những "làng cựu", "làng nội đồng".

3. Những biến đổi hành chính của huyện Tiền Hải từ năm 1975 đến nay.

Do kết quả to lớn của công cuộc khai hoang lấn biển tiến hành trong thập kỷ XX của nhân dân Tiền Hải, ngày 5-9-1975, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 234/BT, thành lập xã Nam Cường thuộc huyện Tiền Hải. Xã Nam Cường gồm có các thôn: Hoàng Môn (của xã Đông Lâm cắt sang) và Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Cường. Địa giới: phía Bắc và Đông Bắc giáp sông Kiến Giang, phía Tây Nam và Nam giáp xã Nam Thắng và xã Nam Thịnh thuộc huyện Tiền Hải.

Ngày 18-12-1976, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1507/TCCP, hợp nhất và điều chỉnh địa giới của một số xã thuộc các huyện Thái Thụy, Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Tiền Hải và Hưng Hà thuộc tỉnh Thái Bình. Thực hiện Quyết định này, huyện Tiền Hải cắt thôn Tam Đồng (của xã Tây Lương) nhập vào Vũ Lăng, cắt thôn Nam Trạch (của xã Vân Trường) nhập vào xã Bắc Hải; cắt thôn Viên Hội, thôn Võ La (của xã Nam Hồng) nhập vào xã Nam Hải.

Ngày 13-12-1986, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 169/HĐBT, chia một số xã và thành lập một số thị trấn của các huyện Tiền Hải, Vũ Thư thuộc tỉnh Thái Bình. Theo quyết định trên, huyện Tiền Hải đã tiến hành:

- Chia xã Đông Trà thành 2 xã, lấy tên là xã Đông Trà và xã Đông Hải.

Xã Đông Trà có 434,1 ha diện tích tự nhiên, với 4.000 nhân khẩu.

Xã Đông Hải có 461,3 ha diện tích tự nhiên với 2.500 nhân khẩu.

- Chia xã Nam Hưng thành 2 xã, lấy tên là Nam Hưng và Nam Phú.

Xã Nam Hưng có 1.027,7ha diện tích tự nhiên với 4.784 nhân khẩu.

Xã Nam Phú có 997,2 ha diện tích tự nhiên với 2.909 nhân khẩu.

- Thành lập thị trấn Tiền Hải (thị trấn huyện lỵ huyện Tiền Hải) trên cơ sở 89,95 ha diện tích tự nhiên với 5.653 nhân khẩu của xã Tây Sơn và 56,70 ha diện tích tự nhiên với 1.653 nhân khẩu của xã Tây Giang. Thị trấn Tiền Hải có tổng diện tích tự nhiên 146,55 ha với 7.306 nhân khẩu.

Xã Tây Sơn còn 393,71 ha, 2.760 nhân khẩu.

Xã Tây Giang còn 481,7 ha với 4.160 nhân khẩu.

Vào thời điểm tháng 8-1994, huyện Tiền Hải có 1 thị trấn và 34 xã là: Thị trấn Tiền Hải và các xã: Tây Tiến, Tây Phong, Tây Giang, Tây Sơn, Tây An, Tây Lương, Tây Ninh, Vũ Lăng, An Ninh, Phương Công, Vân Trường, Bắc Hải, Đông Lâm, Đông Cơ, Đông Phong, Đông Trà, Đông Quý, Đông Xuyên, Đông Long, Đông Hoàng, Đông Minh, Đông Hải, Đông Trung, Nam Hà, Nam Hải, Nam Hồng, Nam Chính, Nam Trung, Nam Thắng, Nam Thanh, Nam Thịnh, Nam Hưng, Nam Phú, Nam Cường.

Từ đó đến nay, sự sắp đặt hành chính trên không có gì thay đổi.

Ban biên tập TTTĐT ( Nguồn: Lịch sử Đảng bộ huyện )